Collagen là dạng protein có nhiều nhất trong cơ thể người, tạo ra các khối và bó dây chắc chắn, có tác dụng hỗ trợ cấu trúc của da, các cơ quan, sụn và xương, đồng thời là tế bào liên kết giữa các bộ phận này. Nhiều thập kỷ qua, các bác sĩ sử dụng collagen từ bò để điều trị các vết bỏng nghiêm trọng và các vết thương khác ở người mặc dù có rủi ro đào thải tế bào do cấy ghép chéo giữa các loài.
Năm 2006, nhóm của Raines đã chỉ ra cách tạo collagen ở người trong phòng thí nghiệm với các phân tử collagen dài hơn bất kỳ phân tử collagen nào tìm thấy ngoài tự nhiên. Hiện nay, nhờ tài trợ của Viện Y tế Quốc gia Mỹ, các nhà nghiên cứu đã tiến bước xa hơn, tạo ra dạng collagen siêu bền có thể giúp ích cho hàng triệu người trong tương lai. Collagen nhân tạo này hứa hẹn là liệu pháp chữa trị nhiều bệnh như viêm khớp do thoái hóa collagen tự nhiên trong cơ thể, căn bệnh ảnh hưởng đến hơn 46 triệu người Mỹ.
Để tạo ra loại collagen mới này, nhóm của Raines đã thay thế 2/3 lượng axit amin thông thường của protein bằng các dạng ít dẻo, giúp cấu trúc chung của protein cứng hơn và duy trì được hình dạng của chúng. Tính đột phá của cách tiếp cận này là sử dụng các vật liệu cứng hơn có hình dạng tương tự với các hình dạng protein chức năng sau khi gấp nếp.
Dạng collagen mới gắn kết với nhau ở nhiệt độ cao hơn nhiệt độ collagen tự nhiên phân rã. Mặc dù được tạo thành chủ yếu từ các axit amin không có trong tự nhiên, nhưng hình ảnh chụp tia X tinh thể cấu trúc 3 chiều của collagen tạo ra trong phòng thí nghiệm cho thấy, không có sự khác biệt với collagen tự nhiên. Sản phẩm collagen bền vững thực sự là một bằng chứng về khả năng của hóa học protein hiện đại.
Nguồn Hoahocngaynay.com/Nasati