Phòng Cảnh sát Môi trường (PC 49, CA tỉnh Yên Bái) vừa công bố kết quả phân tính kiểm định môi trường nước mặt sông Hồng tại địa bàn Yên Bái, cho thấy nước sông Hồng chảy qua địa phận tỉnh này bị nhiễm chì và Cadimi nghiêm trọng.
Sông Hồng cung cấp nguồn nước chính nuôi những mùa vàng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Tuy nhiên thời gian gần đây trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng phản ánh nơi thượng nguồn của con sông này có hiện tượng mầu nước và có mùi hôi tanh lạ thường.
Trước sự việc này các cơ quan chức năng tỉnh Lào Cai, Yên Bái đã vào cuộc và lấy mẫu nước tại một số điểm để làm công tác xét nghiệm mẫu nước.
Theo kết quả phân tích mẫu nước sông Hồng trên địa bàn thành phố Lào Cai của Sở TN&MT cho thấy, từ ngày 7 – 19/2/2011, các chỉ số COD, BOD5 vượt tiêu chuẩn cho phép tới nhiều lần. Và chiếu theo các công thức hóa học thì lượng COD và BOD5 vượt tiêu chuẩn cho phép sẽ có hại cho sinh vật nước và hệ sinh thái nước nói chung.
Còn theo báo cáo mới đây, Phòng Cảnh sát Môi trường (Công an tỉnh Yên Bái), đã tiến hành lấy nước mẫu nước mặt sông Hồng tại địa phận Đội I – xã Giới Phiên – (TP Yên Bái) để tiến hành phân tích kiểm định một số chất trong nước. Sau khi phân tích, kết quả kiểm định đã xác định được 8 thông số môi trường, trong đó có 2 thông số vượt tiêu chuẩn cho phép về chất lượng nước mặt.
Đó là chì (Pb) đo được là 0,74 mg/l, giới hạn cho phép tối đa là 0,1 mg/l, vượt 7,4 lần. Cadimi (là một kim loại tồn tại trong thiên nhiên dưới dạng sulfua lẫn với carbonat kẽm (trong quặng kẽm) Cd) đo được 0,103 mg/l, giới hạn cho phép tối đa là 0,02 mg/l, vượt 5,15 lần.
Như vậy, hai loại kim loại vô cùng độc hại là chì và cadimi đang đầu độc dòng sông Hồng mà mắt thường không thể nhìn thấy. Nhưng nhiều tháng nay, những người dân sống 2 bên lưu vực sông Hồng vẫn ngày đêm lấy nguồn nước này để phục vụ cho việc sản xuất nông nghiệp.
Anh Nguyễn Văn Khương làm nghề chở đò xã Báo Đáp (Trấn Yên) cho hay: Từ Tết đến nay, nước sông Hồng có màu đục xám, không như mọi năm nước đục màu đất, trên mặt sông bọt trắng từng mảng. Về đêm nước có mùi ung ủng, không giống mùi bùn phù sa…
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay tỉnh Yên Bái hiện có 4 trạm bơm điện, bơm dầu hút nước từ sông Hồng tưới ruộng cho các xã: Việt Thành, Báo Đáp và Nga Quán, với tổng diện tích gần 100 ha và hàng trăm ha hoa màu sử dụng nguồn nước sông Hồng.
Ông Trần Mạnh Hồng, công nhân vận hành máy bơm của Công ty TNHH Tân Phú cho biết: Màu nước so với mọi năm xám hơn, nhất là có nhiều bọt trắng. Người dân được công ty cung cấp nước hiện chưa có ý kiến gì, vì ruộng mới cấy…
Ông Trần Đức Thăng – Cán bộ địa chính xã Báo Đáp thì hoảng hốt: Xã Báo Đáp có 50 ha lấy nước trực tiếp từ sông Hồng, còn vài chục ha nữa thì lấy nước từ trong hồ, nhưng mùa cạn vẫn phải bơm nước sông Hồng bổ sung vào hồ, sau đó dẫn ra các cánh đồng. Người dân có nghe loáng thoáng nước sông Hồng bị nhiễm chì, nếu nguồn nước này mà nhiễm vào các giếng nước ăn của người dân thì đúng là tai họa…
Trước những thông tin trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Phạm Duy Cường cho hay, sẽ tiếp tục đề nghị cơ quan chức năng tiến hành làm rõ xem nguyên nhân sông Hồng bị đầu độc từ đâu?.
Hồng Ngân
Nguồn Dân trí