Số liệu mới của Bắc Kinh cho thấy trong tháng 3/2017, tổng sản lượng khai thác khí của Trung Quốc tăng 8,2% so với tháng 1 và 2/2017, đạt 13,6 tỷ m3, phần lớn nhờ việc tăng cường đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng để mở rộng hoạt động khai thác.
Trong đó, sản lượng khí đá phiến tăng kỷ lục 50,4%, đạt 1,15 tỷ m3 và tính trong cả quý I/2017 đã tăng 17,4%, đạt 2,67 tỷ m3. Bắc Kinh cũng dự kiến sẽ nâng trữ lượng khí đá phiến xác minh lên hơn 1,5 nghìn tỷ m3 đến năm 2020 với mục tiêu khai thác khoảng 30 tỷ m3/năm.
Mặc dù được đánh giá là khu vực có trữ lượng khí đá phiến lớn nhất thế giới và nhu cầu về khí đốt trong nước ngày một gia tăng cùng với vấn đề ô nhiễm không khí, nhưng trong nhiều năm qua Trung Quốc vẫn gặp khó khăn trong việc khai thác nguồn tài nguyên này. Điều này chủ yếu do những thiếu hụt về công nghệ, hạn chế về cơ sở hạ tầng và điều kiện địa chất phức tạp. Nhiều mỏ khí đá phiến ở Trung Quốc nằm ở các khu vực có độ sâu hơn rất nhiều so với các mỏ ở khu vực Bắc Mỹ. Ngoài ra, việc đảm bảo nguồn nước cung cấp cho hoạt động khai thác khí đá phiến bằng công nghệ nứt vỡ thủy lực cũng là một thách thức đối với một đất nước thường xuyên gặp hạn hán này.
Để tạo ra sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong ngành công nghiệp này, Sinopec – công ty khai thác khí đá phiến lớn nhất Trung Quốc – vào tháng tới sẽ bắt đầu khai thác tại lô Nanchuan và khai thác giai đoạn hai của dự án Fuling với trữ lượng xác minh và có khả năng (2P) ước tính khoảng 380,6 tỷ m3.
Sinopec cho biết, công ty đã cố gắng cắt giảm chi phí khoan từ 100 triệu tệ/giếng (14,5 triệu USD) xuống còn 70 triệu tệ/giếng (10,2 triệu USD) nhờ nâng cao hiệu suất và cải tiến quy mô cũng như công nghệ khai thác.
Nguồn Viện Dầu khí Việt Nam