Hoạt động của ngành dầu khí thế giới trong giai đoạn cuối thời kỳ suy thoái

Để giữ cho các công ty dầu khí không rơi vào tình trạng phá sản và chuẩn bị lực cho bước phát triển sau khủng hoảng, nhiều giải pháp cải tổ cơ cấu, xác định lại mục tiêu sản xuất kinh doanh đã được các tổ chức dầu khí quốc tế cũng như quốc gia áp dụng và bước đầu đã thu được kết quả. Trong nội bộ của mỗi đơn vị dầu khí, điểm nổi bật nhất là dù rất khó khăn nhưng vẫn phải tập trung lực cho hoạt động tìm kiếm thăm dò để phát hiện những tiềm năng mới, gia tăng trữ lượng hiện có dựa trên nghiên cứu, phát triển công nghệ tiến bộ trong mọi khâu hoạt động thượng nguồn…

Để giữ cho các công ty dầu khí không rơi vào tình trạng phá sản và chuẩn bị lực cho bước phát triển sau khủng hoảng, nhiều giải pháp cải tổ cơ cấu, xác định lại mục tiêu sản xuất kinh doanh đã được các tổ chức dầu khí quốc tế cũng như quốc gia áp dụng và bước đầu đã thu được kết quả. Trong nội bộ của mỗi đơn vị dầu khí, điểm nổi bật nhất là dù rất khó khăn nhưng vẫn phải tập trung lực cho hoạt động tìm kiếm thăm dò để phát hiện những tiềm năng mới, gia tăng trữ lượng hiện có dựa trên nghiên cứu, phát triển công nghệ tiến bộ trong mọi khâu hoạt động thượng nguồn…

Công suất lọc dầu thế giới sau năm 2016

Công suất lọc dầu thế giới đang gia tăng, một di sản của những quyết định trong giai đoạn giá dầu tăng và dự báo nhu cầu sản phẩm lọc dầu toàn cầu ngày càng cao. Hiện nay, tuy một số đề án lọc dầu mới đang bị ngừng triển khai nhưng theo nhìn nhận của các trung tâm dự báo có uy tín thì công suất lọc dầu thế giới sau năm 2020 chắc là dư thừa cho nhiều thập kỷ tiếp theo.

Trước kia, dựa vào ưu thế nắm giữ công nghệ tiến bộ vượt trội của khoa học Mỹ, các công ty lọc dầu Mỹ tập trung xây dựng các nhà máy lọc dầu nặng, dầu chua nhập khẩu từ Venezuela, Canada, Mexic, Trung Đông giá rẻ… nhưng từ năm 2010 trở đi, khi sản lượng dầu phiến sét tăng nhiều lại tập trung xây mới các nhà máy lọc dầu ngọt nhẹ nên tạo ra một hệ thống lọc dầu có thể lọc được nhiều loại dầu khác nhau từ nhiều nguồn cung, tăng cao tính linh hoạt trong sử dụng công suất và hạ giá thành, tăng khả năng sản xuất các loại sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường theo mùa, theo vị trí địa lý của nguồn dầu thô và nơi tiêu thụ, nên lợi nhuận tăng ổn định và cao hơn các nhà máy lọc dầu khác trên thế giới.

Kết hợp tăng nhập khẩu dầu thô giá rẻ với tăng xuất khẩu dầu nhẹ (giá cao) và hạn chế khai thác hợp lý sản lượng dầu (nhẹ) trong nước, Mỹ vừa bảo đảm tiết kiệm tài nguyên nội địa vừa bảo đảm an ninh nguồn cung cho các nhà máy lọc-hóa dầu của mình, với giá nguyên liệu đầu vào hợp lý, phục vụ cho chiến lược phát triển công nghiệp dầu khí hạ nguồn tối ưu trong dài hạn.

Tác động của giá dầu thấp đến ngành lọc – hóa dầu và hoạt động hạ nguồn nói chung là rất tích cực.

Nếu ngành thăm dò, khai thác dầu khí phụ thuộc rất nhiều vào thị trường giá dầu thô trong suốt lịch sử ngành công nghiệp dầu thế giới thì các hoạt động lọc-hóa dầu, hóa-khí cũng như các hoạt động vận chuyển – tàng trữ – phân phối sản phẩm lọc hóa dầu chỉ phụ thuộc vào trạng thái cầu của thị trường và trạng thái này phụ thuộc chủ yếu vào diễn biến sức khỏe nền kinh tế thế giới. Nói cách khác, lợi nhuận của ngành lọc – hóa dầu phụ thuộc chủ yếu vào giá thành công nghệ lọc – hóa dầu cùng với nhu cầu sản phẩm lọc hóa dầu của nền kinh tế, cũng tức là phụ thuộc vào trình độ phát triển của đời sống xã hội và không phụ thuộc, hoặc phụ thuộc rất ít vào giá dầu thô, vì giá sản phẩm lọc – hóa dầu tăng giảm cùng chiều với giá nguyên liệu dầu thô. Cũng vì lý do này, các nước không có hoặc nghèo tài nguyên dầu thô đều đầu tư phát triển ngành dầu khí hạ nguồn để lấy lợi nhuận giải quyết yêu cầu an ninh năng lượng của họ.

Quan sát diễn biến giá dầu thô và lợi nhuận ngành lọc hóa dầu từ năm 2005 đến nay ta thấy trong hai giai đoạn giá dầu thô tăng (2005 – 2008 và 2010 – 2013), lợi nhuận hoạt đồng thượng nguồn tăng thì lợi nhuận của hoạt động hạ nguồn cũng tăng, còn trong hai giai đoạn giá dầu thô giảm (2008 – 2010, 2013 – 2016) thì lợi nhuận hoạt động thượng nguồn giảm, thậm chí là gần đến phá sản, nhưng lợi nhuận hoạt động hạ nguồn vẫn tăng, thậm chí có thời điểm còn tăng cao hơn bình thường. Điều này dẫn đến các tập đoàn/công ty dầu khí có cả hoạt động thượng nguồn lẫn hạ nguồn dựa trên kỹ thuật hiện đại, tiên tiến thì khả năng chống đỡ khủng hoảng cao nhờ dùng nguồn lợi nhuận từ hoạt động hạ nguồn bù lỗ cho hoạt động khác của tập đoàn, còn các tập đoàn chỉ hoạt động thượng nguồn thì khả năng chống đỡ khủng hoảng rất kém trong giai đoạn giá dầu thô giảm mạnh.

Để minh họa cho kết luận nêu trên, sau đây là một số các ví dụ hoạt động của các côngty lọc – hóa dầu trên thế giới hiện nay.

Ở Mỹ, Liên doanh giữa Occidental Chemical Corp. (Oxychem-Mỹ) và Mexichem SAB de CV (Mexico) tuyên bố giữ nguyên kế hoạch khánh thành xí nghiệp liên hợp sản xuất ethylene Ingleside Ethylene LLC ở Texas vào năm2017, mỗi bên góp vốn 50%, công suất 550.000 tấn/năm, như đã quyết định từ ngày khởi công. Xí nghiệp được xây dựng tại địa điểm hiện có một nhà máy đang hoạt động của Oxychem, với tổng chi phí đầu tư 1,5 tỷ USD. Nguồn nguyên liệu của liên hợp là dầu khí phiến sét khai thác trong bang Texas. Sản phẩm của liên doanh là Vinil chloride monomer. Với sản phẩm này Mexichem sẽ sản xuất nhựa polyvinyl chloride và ống PVC để cung cấp cho thị trường Mỹ và xuất khẩu.

Cùng với giá dầu thô giảm mạnh, giá nguyên liệu cho ethylene cũng giảm theo. Giá propane ở Mont Belvieu, Texas, giao động từ 37 – 38 cents Mỹ/galon và giá normal butan sản xuất ngoài vùng đông Texas giao động trong khoảng 61-62 cents Mỹ/ gal. Giá propylene giao động chung quanh 25 cents Mỹ/lb (lb=pound=450 gam). Dự báo thị trường 2016 của ethylene phụ thuộc vào diễn biến giá dầu thô, nhu cầu của các sản phẩm hóa dầu khác lấy ethylene làm nguyên liệu (derivative) và thời gian ngừng sản xuất để bảo dưỡng nhà máy không nằm trong kế hoạch nên rất khó thực hiện. Hệ số sử dụng công suất của các nhà máy ethylene Mỹ hiện đạt 93% và sản lượng đạt khoảng 150 triệu lb/ngày.

Theo dự báo của Petral Consulting, nếu giá dầu thô trong nửa đầu năm 2016 ở mức 30USD/thùng thì giá thành sản xuất ethane sẽ ở mức 8-10 cents Mỹ/lb, giá thành propane ở mức 5-7 cents Mỹ/lb và condensat ở mức 5-8 cents Mỹ/lb. Ethane sẽ luôn có giá cao hơn propane trong suốt 6 tháng đầu năm 2016 và đắt hơn nhiều so với condensate trong quý 2/2016. Petral Consulting cho rằng giá spot ethylene nếu giữ ở mức 18,5-20,5 cents Mỹ/lb thì lợi nhuận biên (giá spot trừ giá thành) ethylene sản xuất từ các nguyên liệu khác nhau sẽ nằm trong khoảng 10-15 cents/lb. Sau quý 1/2016, dự báo giá propylene sẽ thấp trong tháng 5 và tháng 6/2016, vì sản lượng của propylene của các nhà máy lọc dầu sẽ đạt đỉnh theo quy luật mùa vụ, tức là cung sẽ vượt cầu.

Mặc dù cho đến nay OPEC chưa bao giờ tuyên bố dừng tăng sản lượng khai thác dầu trong lúc giá dầu vẫn rất thấp nhưng các nước trong khối này vẫn tiếp tục đầu tư nâng cao năng lực sản xuất trong lĩnh vực lọc-hóa dầu. OPEC cho rằng trong vòng 5 năm tới ở Trung Đông, Trung Quốc và ở các nước khác thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương, công suất lọc dầu mới sẽ đưa vào sản xuất lên đến 7,1 triệu thùng/ngày. Con số này có nghĩa là mỗi năm thế giới có thêm từ 1 triệu đến 1,4 triệu thùng dầu được lọc vượt quá nhu cầu của thị trường. Năm 2014, công suất lọc dầu toàn cầu tăng khoảng 1,3 triệu thùng/ngày, trong đó, Trung Đông chiếm 0,74 triệu thùng. Nhưng công suất lọc mới không ngừng tăng và năm 2020 sẽ là 1,9 triệu thùng/ngày, bao gồm nhà máy Fujairah ở Tiểu vương quốc Arập Thống Nhất (UAE) 200.000 thùng/ngày, của International Petroleum Investment Company sẽ khai trương năm 2018 và nhà máy Sitra của Bahrain Petroleum Company sẽ được mở rộng thêm 100.000 thùng ngày, đưa tổng công suất nhà máy này lên 360.000 thùng/ngày.

Iraq cũng bắt đầu xây dựng một nhà máy lọc dầu 6 tỷ USD tại vùng biên giới phía nam của tỉnh Missan, công suất 150 nghìn thùng/ngày, do công ty Thụy Sĩ Satarem và công ty Wahan của Trung Quốc thi công. Dự án được ngân hàng xuất-nhập khẩu Trung Quốc và ngân hàng phát triển Trung Quốc cấp vốn. Công ty dầu quốc gia MissanOil Co. của Iraq sẽ điều hành nhà máy. Iraq có kế hoạch xây dựng thêm một số nhà máy lọc dầu nữa để nâng công suất lọc dầu của nước này tăng thêm 700 nghìn thùng/ngày, trong đó bao gồm Nhà máy Nasiriya (công suất 300.000 thùng/ngày), Nhà máy Kirkuk (công suất 150.000 thùng/ngày) và Nhà máy Karbala (công suất 140.000 thùng/ngày). Nhà máy Karbala đã khởi công tháng 2/2014 và dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2018.

Trung Quốc ban đầu có kế hoạch tăng thêm công suất lọc 2,2 triệu thùng/ngày vào năm 2019, nhưng tình hình phát triển kinh tế gặp một số khó khăn nên rút xuống còn 1,6 triệu thùng/ngày, bao gồm dự án mở rộng Nhà máy Daya Bay ở Quý Châu của CNOOC, thêm 200.000 thùng/ngày, nâng tổng công suất của nhà máy này lên 460.000 thùng/ngày vào năm 2017. Sinopec và Kuwait Petroleum cũng có kế hoạch đưa vào sản xuất một nhà máy công suất 300.000 thùng/ngày tại Zhanjiang, Quảng Đông vào năm 2018. Các nhà máy mới khác ở châu Á có công suất 1,4 triệu thùng/ngày cũng có kế hoạch khánh thành vào năm 2020 và một số nhà máy lọc dầu ở Bắc Mỹ, châu Âu, châu Phi cũng gia tăng một lượng nhỏ công suất vào thời điểm đó.

Tuy nhiên các đề án nói trên đang được xem xét lại. OPEC đã hạ thấp dự báo kế hoạch gia tăng công suất lọc dầu mới từ 9 triệu thùng/ngày xuống còn 7,1 triệu thùng/ngày, trong đó chỉ có khoảng 1,6 triệu thùng/ngày công suất đang được xây dựng và 1,9 triệu thùng/ngày khác đang được chuẩn bị xây dựng. Như vậy có khoảng 3,6 triệu thùng/ngày công suất đang bị dừng hoặc có thể bị loại bỏ.

Ở châu Phi, Sonatrach (Algeria) cũng đã ký hợp đồng với AmecFoster Wheeler (AFW) để thiết kế công nghệ xây dựng thêm 3 nhà máy lọc dầu mới nhằm tăng công suất lọc dầu của mình thêm 15 triệu tấn/năm. Các nhà máy này được đặt ở tỉnh Biskra, Tiaret và Hassi Mesaoud, mỗi nhà máy có công suất 5 triệu thùng/ngày để lọc dầu sản xuất trong nước. Ngoài bộ phận lọc dầu còn có các phân xưởng tách LPG, hydrocracking, tách lưu huỳnh, sản xuất bitumen, dầu bôi trơn, xưởng pha trộn dầu, bồn chứa, phương tiện chở sản phẩm lọc dầu và trụ sở làm việc của ban quản lý. AFW còn giúp Sonatrach chọn chủ thầu xử lý kỹ thuật/công nghệ cho các nhà máy sẽ được xây dựng. Tổng ngân sách đầu tư không được công bố nhưng Sonatrach cho biết các nhà máy này sẽ hoạt động vào quý 3/ 2017.

Là một thành viên của OPEC, Algeria hiện có 5 nhà máy lọc dầu lớn, công suất lớn hơn 520.000 thùng/ngày. Mới đây Algeria đã nâng cấp các nhà máy lọc dầu theo một chương trình tăng công suất lọc dầu thêm 50% để có đủ xăng, diesel đáp ứng đủ nhu cầu nội địa và sẽ nâng cấp các nhà máy mới xây trong kế hoạch sau 2020.

Châu Mỹ Latinh không có dự án gia tăng công suất lọc dầu nào đáng kể vì kế hoạch gia tăng công suất 0,6 triệu thùng/ngày của khu vực này vào năm 2020 chỉ bằng với dự báo gia tăng nhu cầu trong nội vùng vào thời điểm đó và diễn biến giá dầu sẽ còn tác động thế nào đến kế hoạch này vẫn còn chưa rõ. Pemex có kế hoạch gia tăng công suất các nhà máy chuyển hóa cốc ở 3 trong 6 nhà máy lọc dầu của họ ở Mexico với vốn đầu tư lên đến 20 triệu USD, nhưng kế hoạch này cũng đã bị dừng. Petrobras (Brazil) năm ngoái đã tuyên bố giãn kế hoạch xây dựng nhà máy lọc dầu Abreue Lima và liên hợp lọc hóa dầu Rio de Janeiro, trong lúc các hợp đồng xây dựng đang phải đàm phán lại sau khi xảy ra các scandal tham nhũng trong ngành dầu khí nước này.

Các dự báo gia tăng công suất lọc dầu thế giới hiện thực hơn đang được tiến hành. JPC Energy cho rằng mức tăng công suất sẽ vào khoảng 4,08 triệu thùng/ ngày trong 5 năm nữa, trong đó các nước châu Á chiếm khoảng 2,3 triệu thùng/ngày. Và như vậy đến năm 2020 tổng công suất lọc dầu thế giới sẽ vào khoảng 97,4 triệu thùng/ngày. Trung Đông sẽ tăng công suất lọc dầu khoảng 0,6 triệu thùng ngày, ít hơn 1/3 con số dự báo của OPEC. Các nước châu Mỹ sẽ chiếm 0,7 triệu thùng/ngày. Số còn lại thuộc các khu vực khác.

Riêng châu Âu là khu vực duy nhất có công suất lọc dầu giảm mạnh, đến 80.000 thùng/ngày sau năm 2020, vì lợi nhuận lọc dầu sẽ giảm. BP đánh giá công suất dự trữ cộng với công suất gia tăng trong 5 năm nữa sẽ thừa đủ để bù cho mức gia tăng nhu cầu sản phẩm lọc dầu toàn cầu10 triệu thùng/ngày trong hai thập kỷ sau đó. Theo quan điểm của các nhà dự báo của tạp chí Petroleum Economist, việc đầu tư tiếp tục để tăng công suất lọc dầu trên thế giới sẽ dẫn tới lợi nhuận biên của ngành này sụt giảm dài hạn và thị trường chưa được chuẩn bị cho tình huống này.
Theo: NangluongVietnam Online

Bài Viết Liên Quan