Giữa thời tiết nắng nóng như hiện nay, còn gì quý bằng một ly nước lọc trong lành, mát lạnh để giải khát. Điều đơn giản này không phải ai muốn cũng có thể toại nguyện. Trên thực tế, thế giới vẫn còn rất nhiều người không có nước sạch để uống.
Nguồn nước an toàn có thể biến đổi cuộc sống của hàng triệu người, góp phần vào việc giảm nghèo, cải thiện môi trường, chất lượng cuộc sống, sự phát triển của trẻ em và bình đẳng giới.
Từ cây chùm ngây
Có thể nói, nhu cầu nước sạch đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, chúng ta đã không nhận ra rằng trong thiên nhiên từ lâu đã có sẵn nhiều giải pháp tinh lọc nước cực kỳ hiệu quả. Một trong những giải pháp đó được mang lại từ cây chùm ngây (Moringa oleifera). Theo nghiên cứu của ông Michael Lea, chuyên gia thuộc Clearinghouse – tổ chức Canada chuyên nghiên cứu công nghệ lọc nước chi phí thấp – và các cộng sự, hạt chùm ngây có thể giảm đến 99,99% vi khuẩn trong nước chưa được xử lý.
Ông Michael Lea cho biết, chùm ngây được trồng ở châu Phi, Trung và Nam Mỹ, tiểu lục địa Ấn Độ và Đông Nam Á. Nó có thể được xem là một trong những cây hữu dụng nhất thế giới. Theo chuyên gia này, không những chống chịu được hạn hán, cây chùm ngây còn được dùng làm dầu ăn, dầu thắp và phân bón cũng như thực phẩm giàu dinh dưỡng từ vỏ, lá, hạt và hoa của nó.
Quan trọng nhất là hạt của nó có thể được sử dụng để lọc nước uống mà hầu như không mất chi phí. Quá trình tinh lọc bao gồm các bước như xay nhuyễn hạt chùm ngây thành bột, trộn bột này với nước chưa được xử lý, đợi các hạt bột kết dính với tạp chất và lắng xuống dưới. Sau đó, chúng ta có thể gạn hoặc hút phần nước tinh khiết ở bên trên.
Chùm ngây ở Việt NamỞ nước ta, cây chùm ngây được trồng làm nọc trầu (trụ để trầu bám leo lên) tại tỉnh Ninh Thuận, là nguồn thực phẩm chính của đồng bào các dân tộc Chăm và Raglay và là dược liệu nhiều công dụng. Chùm ngây còn mọc hoang và được trồng ở các địa phương như Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Thuận, Kiên Giang…
Dù tiềm năng “cứu người” rất đáng kể, kỹ thuật này vẫn chưa được phổ biến rộng rãi, ngay cả ở những khu vực cây chùm ngây được trồng. Mới đây nó được đề cập đến trong chuyên san khoa học Current Protocols in Microbiology, và đang được cung cấp miễn phí qua mạng theo Sáng kiến công dân doanh nghiệp của nhà xuất bản John Wiley and Sons.
Theo chuyên gia Lea, kỹ thuật này không tượng trưng cho một giải pháp hoàn thiện nhằm chống lại mối đe dọa của bệnh tật lây truyền qua nguồn nước. Tuy nhiên, có thể hàng nghìn gia đình của thế kỷ XXI sẽ được giải phóng khỏi những gì đã xảy ra hồi thế kỷ XIX khi tình trạng thiếu nước và nước nhiễm khuẩn đã gây ra chết chóc và dịch bệnh. “Đây sẽ là một viễn cảnh đáng kinh ngạc, loài cây này sẽ giải phóng những tiềm lực rất lớn từ con người”.
Điều này cũng đồng nghĩa rằng người dân các nước nghèo giờ đây có thể trút bỏ được nỗi lo thiếu nước sạch và từ đó họ có nhiều cơ hội làm việc và sản xuất để nuôi sống bản thân cũng như phát triển cộng đồng và đất nước.
Đến “chiến sĩ diệt bẩn vô hình”
Ông Lea không phải là người Canada duy nhất bỏ công sức nghiên cứu công nghệ lọc nước giá rẻ. Các nhà nghiên cứu Banu Ormeci và Edward Lai thuộc Đại học Carleton đã phát triển được một công nghệ mới có thể “cách mạng hóa” việc tinh lọc nước uống và nước thải. Dù các công nghệ hiện tại có thể làm sạch nước bằng cách tách bỏ hạt bẩn và tiêu diệt vi trùng, chúng không thể lọc chất thải độc hại từ dược phẩm, mỹ phẩm, thuốc trừ sâu…
Bà Omerci cho biết, sự hiện diện ở nồng độ cực thấp của các hợp chất gây tổn hại tuyến nội tiết, vốn được tìm thấy trong thuốc ngừa thai, thuốc không cần kê toa, mỹ phẩm và hương liệu… ở trong nước có thể tác động đến sức khỏe con người, đe dọa sự phát triển của bào thai và trẻ em. Tác dụng ngược của những hợp chất này đối với sinh vật dưới nước đã được ghi nhận và tình trạng “mái hóa” cá trống có liên quan đến sự hiện diện của chúng ở nước bề mặt.
Các chuyên gia Canada sử dụng polymer, hóa chất tổng hợp giống nhựa, để tạo ra các hạt vô hình bám vào chất bẩn trong nước. Họ khẳng định công nghệ này sẽ ít tốn kém và không cần sự điều chỉnh lớn đối với các nhà máy xử lý nước hiện tại. Theo chuyên gia Lai, trong vài năm tới, họ không chỉ mở rộng nghiên cứu để bao hàm một loạt hợp chất mà còn bổ sung thêm thành phần từ tính để cải thiện thêm quy trình “đeo bám” của các “chiến sĩ diệt bẩn” vô hình.
Trên đây chỉ là một vài trong số rất nhiều nghiên cứu hướng đến mục tiêu tinh lọc nước với chi phí thấp, để người dân các nước đang phát triển có thêm nước sạch để uống và số người nhiễm bệnh và tử vong vì nước bẩn ngày càng giảm đi.
Nguồn: Báo Thanhnien