Tác hại của tia tử ngoại (UV ray) trong ánh sáng mặt trời là một trong những mối lo của người phụ nữ. Trong bài viết này chúng tôi sẽ giới thiệu những kiến thức mới nhất trong việc ngăn ngừa và sử dụng mỹ phẩm chống nắng để bạn đọc tham khảo, nêu lên những nhân tố gây nám so những nguyên nhân khách quan hay vì thiếu hiểu biết, sử dụng không chọn lọc những sản phẩm “làm đẹp” tràn lan trên thị trường, không được Bộ Y Tế chấp nhận, không rõ nguồn gốc xuất xứ và thành phần hoạt chất gây tác hại cho làn da một các lâu dài.
Một trong những nguyên nhân gây nám thường được các bác sĩ da liễu đề cập là hiện tượng nội tiết trong cơ thể người phụ nữ bị rối loạn. Hiện tượng này có thể thấy rất rõ ở những cháu bé gái trong tuổi dậy thì, mụn cám hoặc mụn bọc hiện lên khá rõ ở vùng “T” và cằm khi bị mất cân đối về nội tiết tố, cụ thể là hoóc-môn sinh trưởng và hoóc-môn kích thích phát triển không đồng đều. Ở lứa tuổi trên 25, làn da của người phụ nữ bắt đầu bước vào thời kỳ lão hóa, chịu ảnh hưởng từ bên trong cơ thể và bên ngoài (môi trường sinh hoạt, làm việc, ăn uống…) mạnh mẽ hơn, tâm sinh lý dễ bị xao động, trong đó tác động của ánh sáng mặt trời (trong mùa hè cũng như trong mùa đông) dẫn đến chứng sạm, nám da lâu dài. Tia tử ngoại kích thích sắc tố đen Melanin hình thành nhiều hơn bình thường và biến thành những vết nám không tan trên biểu bì, điều mà giới chuyên môn gọi là hiện tượng lạm tiết hắc tố.
Ánh sáng (hay ánh nắng mặt trời) chuyển động liên tục với một năng lượng và nhiệt độ khá cao dưới dạng “hạt”, chiếu thẳng vào khuôn mặt của chúng ta. Chính nhờ ánh nắng, tế bào da bị kích thích, hoạt động tích cực để bảo vệ thân nhiệt, bài tiết và chống đỡ, hình thành những cấu chất NMF (*) tạo độ ẩm cho da như các loại acid amin, lipid (chất béo), chất nhờn ở tầng cơ mỡ (như collagen làm căng da), vitamin D giúp da phát triển khỏe mạnh và bình thường ngoài việc chống lại những vi khuẩn và vi trùng từ môi trường bên ngoài ập đến. Rõ ràng làn da của chúng ta sẽ bị xanh xao, khô héo nếu như ở trong hầm tối quá lâu, không tiếp xúc với ánh nắng nhưng ngược lại nếu chúng ta ở ngoài nắng như khi đi tắm biển hay phơi nắng ở các bể bơi, hồ tắm trên 3 tiếng đồng hồ, làn da sẽ bị bỏng, dộp và bị lột da nếu thiếu biện pháp ngăn ngừa hữu hiệu.
Tỷ lệ người bị ung thư da do ánh nắng ở Hoa Kỳ rất cao so với người Châu Á. Theo thông báo mới nhất của Hội Da Liễu Hoa Kỳ thì số người bị tác hại trực tiếp của ánh nắng (tia tử ngoại) cần được chữa trị lâu dài hiện nay lên đến con số 12 – 15 triệu người, gấp hai lần con số ở Châu Âu và 10 lần cao hơn số người Châu Á. Hiện tượng việm da mãn tính nổi cộm ở những vùng có ánh nắng gay gắt và tầng ozone trong bầu khí quyển bị thủng hay mỏng đi do ô nhiễm khói bụi công nghiệp và ô tô, máy điều hòa… gây ra.
Trong ánh nắng mặt trời, ngoài những tia ánh sáng thấy được (độ dài sóng từ 400 – 790nm), chúng ta còn nhận được những tia ánh sáng không thấy được có độ dài sóng thấp (từ 180nm – 400nm), được chia làm ba loại như sau:
– UVC 180nm – 290nm không chiếu được vào mặt đất nhờ tầng ozone ngăn cản, nhưng ở những vùng bị thủng thì đây là tia sáng gây ung thư mạnh mẽ nhất.
– UVB 290nm – 320nm gây chứng viêm da, cháy bỏng, nổi bọc nước trên da.
– UVA 320nm – 400nm làm cho da bị sạm đen, nguyên nhân của nám nhăn, thúc đẩy sự lão hóa của da đi nhanh.
Tia UVA thâm nhập vào hạ bì (chân bì) với độ dài sóng lớn gây hại cho tầng cơ mỡ Collagen là chất tạo độ căng cho da và tầng Elastin giúp cho da đàn hồi, vì vậy da dễ bị nhăn, teo đồng thời kích thích các Enzyme Tyrosinase phát triển nhanh thành những gốc Radical tự do (free radicals) để chuyển hóa thành hắc tố melanin từ tế bào Melanocyte. Trong khi đó tia UVB có độ dài sóng ngắn hơn chiếu tỏa lên biểu bì (thượng bì) phá hoại những tế bào trong cấu chất NMF (natural moisturizing factors). Thực ra trong quá trình chu chuyển và vận động tự nhiên của sắc tố thì melanin là một lớp bọc, ngăn chặn tác hại của ánh sáng, được bài tiết để phủ lên biểu bì, thường được thấy qua hiện tượng sạm da ở lớp trẻ khi “ăn nắng”. Thông thường màng phủ melanin này sẽ dần dà nhạt phai theo tiến trình phát triển và đào thải của da trong vòng 28 ngày. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, khi qua khỏi một lớp tuổi nhất định, trong quá trình da đi vào thời kỳ lão hóa thì những vết sạm này rất khó tan, đọng lại trên biểu bì ngày càng nhiều (lạm tiết hắc tố) vô cùng khó chữa. Tia UVC vì độ dài sóng ngắn nhất trong các tia cực tím (180nm – 290nm) bị tầng ozone dày từ 10 km – 50 km trong bầu khí quyển chặn lại nên không chạm đến mặt đất nhưng ở những nơi tầng ozone bị thủng hay mỏng đi thì tia UVC sẽ bức xạ đến trái đất gây tai biến ung thư da rất nguy hại.
SPF VÀ WHITENING
Gần đây, khi phát hiện khả năng bị tai biến vì ánh nắng mặt trời, rất nhiều sản phẩm từ dưỡng da đến trang điểm (phấn hồng, môi son …) đều có ghi chỉ số chống nắng S.P.F. (Sun Protecting Factors) trên bao bì để khách hàng dễ chọn lựa. Hầu hết những sản phẩm xuất xứ từ Châu Âu, nổi tiếng như Lancôme (Pháp), Elizabeth Arden (Mỹ), Clinique (Mỹ)… đều chọn chỉ số chống nắng từ 8 – 15. Điều này không có gì lạ vì đây là vùng ôn đới, ánh nắng mặt trời không gay gắt như các nước Châu Phi, Châu Á có khí hậu nhiệt đới. Ở Hoa Kỳ, sản phẩm cho phụ nữ vùng Washington D.C., NewYork có chỉ số SPF thấp hơn vùng Florida hay California, thông thường SPF phải từ 28 – 32 mới đủ sức ngăn cản. Ngay ở Việt Nam, có rất nhiều bạn nhận được quà mỹ phẩm của bà con gởi biếu nhưng những sản phẩm tuy là nổi tiếng và tốt ấy vẫn không phát huy được tác dụng do chỉ số chống nắng quá thấp. Mặt khác, trên thị trường mỹ phẩm chợ, có loại được “hô” lên là 52 – 70 mà không có bằng chứng xác đáng (kết quả thí nghiệm cụ thể, bằng sáng chế được một cơ quan chức năng công nhận…), mà nếu có thật thì liệu hàm lượng hoạt chất chống nắng quá mạnh gây viêm da, nhờn hay khó chịu ?. Thời gian ánh nắng gay gắt nhất với cường độ tia UV cao thông thường từ 10 giờ sáng đến 3 giờ chiều (có nơi sớm hơn hay muộn hơn tùy vào thời tiết địa lý), vì vậy việc bảo vệ tích cực trong khoảng thời gian này vô cùng quan trọng, nên đội nón và chọn kem trang điểm, phấn hồng hay son môi có chỉ số chống nắng cao (từ 28 – 32). Bên cạnh đó, bột màu trong mỹ phẩm trang điểm cũng là một trong những nguyên nhân gây nám do làn da bị cảm quang (photo-sensitive), dễ bắt nắng vì vậy việc chọn màu để trang điểm cho ban ngày (màu nhạt) và cho ban đêm (màu đậm) cũng khác nhau. Mặt khác, hương liệu pha chế trong mỹ phẩm cũng không kém phần tác hại, nước hoa và hương liệu mạnh có thể làm cho da bị khô và cháy nám.
Thị trường mỹ phẩm ngày nay còn tràn ngập những sản phẩm “làm trắng da” (whitening) với nhiều xuất xứ và không rõ thành phần hoạt chất cụ thể. Để làm trắng da, nhiều nhà sản xuất dùng các chất có tác dụng tẩy lột cực mạnh như sáp ong (bee wax), Corticoid và các chất dẫn suất từ họ hóa chất này (chất chống viêm) và gần đây áp dụng acid trái cây (Alpha Hydroxy Acid) với hàm lượng cao trong các loại kem dưỡng da. Đánh trúng tâm lý ước muốn có một làn da trắng mịn của người phụ nữ, không ít nhà sản xuất lạm dụng những hoạt chất này để quảng cáo tác dụng diệu kỳ, gây ấn tượng bằng hình ảnh cực kỳ sinh động trong khi việc tẩy trắng, xóa vết nám trên da bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, có khi phải điều chỉnh nội tiết tố bằng hoóc-môn nhân tạo hoặc thậm chí thay đổi nếp sinh hoạt, chế độ ăn uống, nghỉ ngơi và có tâm sinh lý ổn định.
Ngôn ngữ “trắng da” (whitening) trong mỹ phẩm hiện đại bao gồm những sản phẩm lột (peeling), tẩy (cleaning hay cleansing), điều hòa và chống lạm tiết hắc tố, chống sự xâm nhập của tia tử ngoại (anti – UV) và bổ sung bằng vitamin C, A và E. Đối với phụ nữ lớn tuổi, nhất là lứa tuổi tiền mãn kinh (từ 43 – 48 tuổi đối với phụ nữ Việt Nam), hiện tượng rối loạn hoóc môn xảy ra khá phổ biến, thúc đẩy quá trình lão hóa của da nhanh hơn (hiện tượng mất ngủ, bị stress…), trên mặt bắt đầu xuất hiện những nốt sạm đen, hay nâu rất rõ rệt. Do đó, việc chăm sóc da hầu ngăn chận tiến trình xuất hiện vết nám trên mặt không những rất cần thiết mà còn là cấp bách. Mọi cách đối phó tình trạng này một cách nóng vội, thiếu hiểu biết, thậm chí tự đoán theo tưởng tượng (có người cho rằng bị nóng gan, không điều hòa máu huyết … v. v… tự mình chạy thuốc Nam, và kết quả bị nám và nổi mụn bọc khắp mặt) sẽ có thể mang lại những hậu quả khôn lường tai biến suốt đời cho làn da quí báu và rất mỏng manh của mình. Làn da đẹp là một làn da sáng sủa, tươi tắn. Việc chăm sóc cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, kết hợp chương trình chăm sóc ngày và đêm cụ thể, tránh việc sử dụng các mỹ phẩm theo lời đồn đãi, có chất lượng không an toàn hay “đặc chế” không đúng qui định của Bộ Y Tế.
SẢN PHẨM CHỐNG UV
Để chống lại sự xâm nhập của UVA và UVB, nhiều hóa chất đi từ hóa tổng hợp đã được đưa vào những sản phẩm chống nắng phổ biến nhất là Oxid Titan hay Di-oxid Titan trong các loại phấn trang điểm hay kem chống nắng. Nhằm tăng cường chỉ số SPF, nhiều nhà sản xuất còn pha chế nhiều loại hoạt chất gây tác dụng phụ, phá hủy những acid amin trong NMF, làm hỏng lớp da non gây chứng teo cơ như Hydroquinone, Cortisone. Khuynh hướng trở về với dược thảo, hoạt chất thiên nhiên đi từ công nghệ sinh học, có độ an toàn cao ngày càng chiếm nhiều ưu thế. Để bảo vệ da không bị ăn nắng, một số nhà sản xuất đặc biệt là Nhật Bản chú tâm vào nguồn dược liệu phong phú từ cây cỏ như sử dụng tinh dầu cám gạo (Gamma Orizanol) tinh chất ngọc trai (Conchiolin solution), dầu lô hội (Aloe vera) và các tinh chất trích li từ cam thảo, tía tô, mướp đắng… để nâng cao khả năng chống nắng của sản phẩm. Bổ sung những hoạt chất này, việc áp dụng vitamin như A,C và E ngày càng trở nên cần thiết để chống lão hóa, làm chậm đi hoạt động tích cực của những enzyme tạo hắc tố trong tế bào thượng bì. Có thể tóm tắt những hoạt chất chống bắt nắng và dưỡng da như sau:
1. Hoạt chất phản xạ tia tử ngoại, không cho thâm nhập vào da (Dioxid titan, Vitamin C, Gamma orizanol …)
2. Hoạt chất phân tán hạt ánh sáng chống gây kích thích Tirosinase biến thành hắc tố, không cho tia tử ngoại phá hủy tầng cơ mỡ Collagen gây nhăn cho da (Gamma orizanol, tinh chất cam thảo – Licorice, Aloe vera)
3. Chống viêm do năng lượng của tia tử ngoại mang đến tạo lại sự tươi mát (Shikonin, Proline …)
4. Nuôi da, làm cho da tươi và cân đối độ ẩm của da (chất từ nhau thai – Placenta extract, Acid hyaluronic, Squallane lấy từ gan cá mập…)
5. Hoạt chất làm căng, tạo đàn hồi cho da (Collagen, Squallane)
6. Các loại vitamin chống lão hóa (vitamin E), thúc đẩy sừng hóa (vitamin A), làm tươi da chống viêm (vitamin C)
Những hoạt chất dưỡng và nuôi da ghi ở các mục (4, 5, 6) có thể thay đổi tùy theo khuynh hướng nghiên cứu và trình độ kỹ thuật của mỗi hãng, thí dụ trong sản phẩm làm trắng da của Shiseido (Nhật) lấy Arbutin làm chất chính, Heartland dùng vàng kết hợp với dược thảo để tẩy nám thì Estée Lauder (Mỹ) lại ưa sử dụng A.H.A. với Lancôme (Pháp) là Retinol (một loại vitamin A ổn định) trong khi đó những sản phẩm của Thụy Sĩ như La Prairie lại dùng chất trích ly từ nhau thai (Placenta extract). Vì thế bạn gái có thể tự chọn cho mình một sản phẩm thích hợp sau khi được thử kem cẩn thận. Một trong những tiêu chí để chọn lựa sản phẩm là sự kích ứng hay mức độ gây dị ứng, nói khác đi là độ an toàn đối với da có được đảm bảo hay không. Trên thực tế đã có nhiều người bị cháy nám nghiêm trọng trong khi sử dụng các loại kem dưỡng da hay chống nắng “lung tung”, lâm vào cảnh “tiền mất tật mang” tai hại.
NHỮNG BIỆN PHÁP HỮU HIỆU
Không thể chống nám hay tẩy nám một cách hữu hiệu khi chưa biết rõ nguyên nhân. Những nguyên nhân gây nám, sạm da có thể tóm tắt như sau:
– Rối loạn hắc tố Melanin do ánh nắng mặt trời hay nội tiết gây ra, đặc biệt đối với phụ nữ sau 25 tuổi.
– Trường hợp mang thai hay bước vào thời kỳ tiền mãn kinh thường bị nám ở hai bên gò má.
– Khi sử dụng các hóa chất lột tẩy trong kem, pommade (thuốc đặc trị) không đúng qui định hay quá liều.
– Sử dụng thuốc trị mụn quá mạnh, nặn bóp hay hút mụn gây thương tích cho da.
– Khi uống những loại thuốc nam, thuốc đông y có nhiều loại cây, rễ, vỏ chứa độc tố đặc biệt là loại thuốc “xổ độc” thường thấy ở Việt Nam.
– Khi uống các loại thuốc ngừa thai, đặt vòng tránh thai gây rối loạn nội tiết.
– Thiếu chăm sóc hay do sử dụng mỹ phẩm màu (trang điểm), nước hoa với phẩm chất kém.
Khi đã “lỡ” bị nám bạn gái nên bình tĩnh suy xét những yếu tố gây nám cho da mình, tìm cách chữa chạy an toàn và tốt nhất qua lời khuyên của Bác sĩ hay chuyên gia mỹ phẩm đứng đắn, trong đó phải kết hợp hai phương pháp : lấy đi vết nám hiện có bằng các loại kem tẩy nám và làm trắng da đồng thời nuôi dưỡng lại da, ngăn chận hắc tố lạm tiết, điều hòa nội tiết trong da. Hiện nay chưa có một sản phẩm nào có tác dụng tức thời, có thể tẩy nám ngay trong một lúc, chỉ có những sản phẩm làm trắng da qua thời gian từ 3 – 6 tháng tùy vào độ đậm nhạt, nguyên nhân gây ra. Phương pháp điều chỉnh lại hoóc-môn bằng thuốc uống và thoa chỉ có thể thực hiện theo chỉ thị của bác sĩ chuyên khoa hay phương pháp tẩy nám bằng tia Laser không thể ứng dụng rộng rãi, có thể gây tai biến bất ngờ. Nám da hay bị “đồi mồi” trên thân thể vào tuổi già là việc bình thường vì vậy tránh chạy theo những lời quảng cáo phô trương để chuốc lấy những tai hại khó lường. Qua kinh nghiệm nhiều năm, tiếp xúc với nhiều phụ nữ bị nám, nhăn, viêm mụn, chúng tôi có lời khuyên với bạn gái trước khi kết thúc bài này là “Đừng để bị xấu đi do thiếu hiểu biết và nhẹ dạ”. Chúc các bạn gái luôn tươi trẻ và có được một làn da đẹp vì đó cũng là một phần của hạnh phúc và cuộc sống.
(*)- NMF (natural moisturizing factors) gồm những cấu chất từ acid amin và khoáng (minerals) có trong lớp biểu bì (thượng bì)
Hồng Lê Thọ
Nguồn: Hoahocngaynay.com