Từng bước kiểm soát các hợp chất hữu cơ khó phân hủy

Ngày 13/1, Tổng cục môi trường (Bộ TN – MT) phối hợp với dự án quản lý PCB tại Việt Nam và tập đoàn Điện lực việt Nam tổ chức hội thảo về các hợp chất hữu cơ khó phân hủy tại TP. Hòa Bình

Theo TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng cục môi trường, Bộ TN – MT, các hợp chất hữu cơ khó phân hủy (POPs) là các chất nguy hại tới sức khỏe và môi trường sinh thái. Tuy nhiên, chất POP hình thành và phát thải rất khó kiểm soát, chúng có mặt ở hầu hết các sản phẩm phục vụ đời sống con người như trong thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kiểm soát dịch bệnh, chất PCB chống cháy nổ, dầu biến thế, các sản phẩm nhựa…

Các hợp chất hữu cơ khó phân hủy có khả năng lan truyền nhanh, rộng qua không khí, nguồn nước, phát tán theo gió, nguồn thức ăn…và ảnh hưởng tới con người qua tiếp xúc ngoài da, hít thở, dinh dưỡng.

Theo GS.TS Phạm Hùng Việt, Giám đốc trung tâm nghiên cứu công nghệ môi trường và phát triển bền vững (ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội) cho biết, đa số các hợp chất hữu cơ khó phân hủy mà con người đang tiếp xúc hàng ngày là sản phẩm của chính con người tạo ra.

Cho nên, việc quan trọng cần làm là tìm ra những hợp chất mới có tác dụng tương tự nhưng giảm nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và sức khỏe con người.Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy POPs gây tổn thương gan, nổi mụn, cháy da và mắt. Về lâu dài có thể gây ung thư, rối loạn nội tiết, ảnh hưởng tới hệ thần kinh cua trẻ…

PGS.TS Bùi Cách Tuyến, Thứ trưởng bộ TN – MT cho rằng việc kiểm soát các chất POPs là điều cần thiết và Việt Nam rất tích cực tham gia quản lí các loại hợp chất độc hại bằng việc phê chuẩn công ước Stockholm; luật bảo vệ môi trường; luật hóa chất và các quy định khác của pháp luật về quản lý hóa chất, bảo vệ sức khỏe, vệ sinh lao động…và từ nay đến năm 2028, Việt Nam hạn chế sử dụng chất hữu cơ khó phân hủy và dừng hẳn việc sử dụng hợp chất PCB.

Theo công ước Stockholm tính đến nay có 21 nhóm hợp chất nguy hại cần phải quản lý (hạn chế sử dụng và loại trừ) như thuốc trừ sâu, PCB, dioxin…Việt Nam là một trong những nứơc đầu tiên kí kết và phê chuẩn công ước Stockholm (ngày 22.7.2002).

Minh Cường

Nguồn Báo Đất Việt

Bài Viết Liên Quan