Tính đến 31/12/2004 có 27 mỏ khí được phát hiện, chủ yếu ở thềm lục địa dưới 200 m nước, chỉ có mỏ khí Tiền Hải C và D14 ở đất liền thuộc về MVHN (kể cả một số mỏ khí cùng với các mỏ dầu như: mỏ Bunga, Kekwa, Sư Tử Trắng…). Các mỏ khí – dầu này là các thân khí tự nhiên được tích tụ cùng các thân dầu trong một bẫy hoặc các thân chứa chủ yếu là dầu và mũ khí của cấu tạo mà trước đây cho là mỏ dầu.
Với mục đích báo cáo trữ lượng khí chỉ đưa vào các mỏ có trữ lượng thu hồi cuối cùng dự tính (EUR) lớn hơn 0,9 tỉ m3 đối với các mỏ ở đất liền (mỏ khí Tiền Hải C đang khai thác) và các mỏ ở thềm lục địa có trữ lượng lớn hơn 1,8 tỉ m3 gần các mỏ đã phát triển (mỏ Hoa Mai đang đánh giá để đưa vào phát triển). Từ năm 1990, có khoảng 370 tỉ m3 khí thiên nhiên có khả năng bổ sung đưa tổng số trữ lượng khí lên 394,7 tỉ m3, trong đó, trữ lượng khí đồng hành là 324,8 tỉ m3 và khí đồng hành là 69,9 tỉ m3. Cũng trong cùng thời gian đã phát hiện được 23 mỏ khí ngoài khơi và 1 mỏ khí ở đất liền. Do các phát hiện khí của các hợp đồng dầu khi ký năm 1988 và 1992 mà nhà thầu thực hiện trong các chiến dịch thăm dò, trữ lượng khí (dự kiến thu hồi khí cơ bản với hệ số thu hồi khí của mỏ khoảng 70%) tăng đột biến sau khi phát hiện 2 mỏ khí Lan Tây – Lan Đỏ trong năm 1992, mỏ Rồng Đôi (1994) và Hải Thạch (1995).
Trong số 27 mỏ có trữ lượng đáp ứng được điều kiện nêu trên chỉ có 5 mỏ khí có trữ lượng trên 30 tỉ m3 chiếm khoảng 40% trữ lượng khí. Kích thước mỏ và trữ lượng phát hiện minh họa ở hình.
Khí không đồng hành
Ở bể Nam Côn Sơn, khí không đồng hành được phát hiện ở 9 mỏ với 159,3 tỉ m3 chiếm 40% trữ lượng khí; bể Malay – Thổ chu có 13 mỏ khí, 2 mỏ khí – dầu với trữ lượng 138,2 tỉ m3 chiếm 35%; bể Sông Hồng kể cả phần đất liền (miền võng Hà Nội) phát hiện một mỏ khí ở vịnh Bắc Bộ và 2 mỏ khí ở đất liền với trữ lượng 7,5 tỉ m3 chỉ chiếm 2% tổng trữ lượng khí; ở bể Cửu Long, có 2 mỏ dầu khí với trữ lượng 19,8 tỉ m3 chiếm 5%.
Qua các số liệu cho thấy bể Nam Côn Sơn có trữ lượng khí lớn nhất với nhiều mỏ có quy mô lớn, bể Malay – Thổ chu phát hiện nhiều mỏ nhất và có nhiều mỏ nhỏ. Trữ lượng khí của các mỏ khí đã phát triển, đang được khai thác và đưa vào kế hoạch phát triển trong vài năm tới khoảng 250 tỉ m3 (chiếm khoáng 63%).
Khí đồng hành
Khí đồng hành phân bố chủ yếu ở bể Cửu Long với trữ lượng 58,4 tỉ m3 (15%) tập trung trong các mỏ dầu lớn: Bạch Hổ, Rạng Đông, Hồng Ngọc và các mỏ dầu – khí: Emerald, Sư Tử Trắng. Ngoài ra một lượng khí đồng hành rất nhỏ (3%) còn phân bố trong các mỏ khí – dầu như: Bunga Kekwa – Cái Nước, Bunga Raya thuộc về Malay – Thổ Chu.
Trữ lượng condensat
Trữ lượng condensat đưa vào hydrocabon thể lỏng trong điều kiện ổn định dựa trên khối lượng thu hồi tiềm năng từ C5 và C5+ của tổng trữ lượng khí khai thác từ các đề án đã khẳng định trong tương lai bao gồm các đề án đã khẳng định trong tương lai bao gồm các mỏ Lan Tây – Lan Đỏ, Rồng Đôi – Rồng Đôi Tây, Hải Thạch và Emerald. Trữ lượng condensat tới 31/12/2004 khoảng 18 triệu tấn, tập trung chủ yếu ở các mỏ của bể Nam Côn Sơn và Cửu Long.
Xu thế bổ sung trữ lượng khí thiên nhiên
Trữ lượng khí thiên nhiên tăng nhanh trong thời gian qua. Từ năm1990 đến năm 2004) đã phát hiện 24 mỏ khí, bình quân tăng khoảng 26 tỉ m3/năm từ các mỏ mới và thẩm lượng các phát hiện. Hầu hết các mỏ được phát hiện từ các vùng thăm dò mới thuộc các hợp đồng dầu khí lần đầu, chỉ có một số ít mỏ được phát hiện trong các vùng đã thăm dò được giao thầu lần 2.
Sự bổ sung trữ lượng khí còn lại định hướng trong tương lai một phần là do tăng trưởng của các mỏ phụ thuộc vào kết quả khoan thẩm lượng và phát triển mỏ trên cơ sở kết quả nghiên cứu tốt hơn về địa chất, địa vật lý và công nghệ mỏ, phần còn lại chủ yếu hy vọng phát hiện các mỏ khí mới ở các vùng thăm dò mới của các bể sông Hồng, Phú Khánh, Tư Chính – Vũng Mây và các dạng bẫy phi cấu tạo, bẫy hỗn hợp ở các vùng đã thăm dò thuộc bể Nam Côn Sơn, Cửu Long và Malay-Thổ Chu.
Cùng với sự bổ sung tăng trưởng trữ lượng khí thiên nhiên, trữ lượng condensat cũng sẽ được tăng, đặc biệt ở các bể Nam Côn Sơn, sông Hồng nơi các mỏ thường ở độ sâu lớn với điều kiện nhiệt độ và áp suất vỉa cao nên trữ lượng condensat sẽ tăng đáng kể. Ngoài ra, Việt Nam còn phát hiện một số mỏ khí khổng lồ ở phía Nam bể Sông Hồng, nhưng có hàm lượng khí CO2 rât cao (>60÷90%) nên chưa đưa vào thống kê trữ lượng hiện tại. Vì vậy, việc nghiên cứu các giải pháp công nghệ và có điều kiện kinh tế ưu đãi để khuyến khích và tạo điều kiện cho phát triển các mỏ này sẽ là nguồn tiềm năng bổ sung đáng kể (khoảng 250 tỉ m3) trữ lượng khí cho Việt Nam trong tương lai.
Chất lượng khí và phát triển khai thác
Nhìn chung chất lượng các mỏ khí ở Việt Nam là khí ngọt trừ một số ít mỏ ở bể Malay-Thổ chu có hàm lượng khí CO2 cao, ngoài ra cũng có ít mỏ có hàm lượng H2S trung bình cao.
Mỏ khí Tiền Hải C là mỏ đầu tiên được phát hiện (1975) ở đất liền thuộc MVHN và cũng là mỏ khí được khai thác đầu tiên ở Việt Nam từ tháng 6 năm 1981 để phục vụ cho phát điện và công nghiệp địa phương của tỉnh Thái Bình. Vào cuối những năm 80 đầu thập niên 90 thị trường khí ở Việt Nam chưa có nên vào thời kỳ đầu khai thác các mỏ dầu ở bể Cửu Long, khí đồng hành một phần được sử dụng phục vụ cho chạy máy phát điện tại các giàn hoặc dùng cho gaslift, còn lại được đốt bỏ để bảo vệ môi trường. Chỉ vào cuối những năm 90 nó mới giành được sự chú ý của công nghiệp sử dụng khí do kết quả thăm dò đã phát hiện được một số mỏ khí ở thềm lục địa và cho thấy Việt Nam có nguồn khí thiên nhiên ở đây lớn hơn so với dầu.
Để nhanh chóng khai thác nguồn tài nguyên khí, đã bắt đầu tìm kiếm, phát triển nguồn năng lượng này làm nhiên liệu cho phát điện trong chính sách năng lượng quốc gia, hóa khí (sản xuất phân đạm…), làm lạnh cho các công trình công cộng và làm nhiên liệu cho một số ngành công nghiệp khác và cho giao thông vận tải (LPG, CNG). Điều đó cho phép Việt Nam có điều kiện nhanh chóng tăng sản lượng điện phục vụ cho điện khí hóa và công nghiệp hóa đất nước.
Thực hiện mục tiêu chiến lược này đường ống dẫn khí đầu tiên từ biển (mỏ Bạch Hổ) vào bờ dài trên 100 km với công suất 5,5 triệu m3/ngày đã được xây dựng. Từ năm 1995, sau khi hệ thống đường ống dẫn khí này được hoàn thành khí đồng hành của mỏ Bạch Hổ được đưa vào đất liền để phục vụ cho nhà máy điện Bà Rịa – Vũng Tàu, nhà máy khí hóa lỏng (LPG) Dinh Cố.
Năm 2001, khí đồng hành mỏ Rạng Đông được thu gom vận chuyển qua hệ thống đường ống dẫn khí Rạng Đông – Bạch Hổ đưa vào bờ để cùng với khí đồng hanh mỏ Bạch Hổ cung cấp cho khu công nghiệp điện đạm Phú Mỹ.
Sản lượng khai thác khí thiên nhiên hàng năm đều tăng nhất là từ năm 2002 từ khi công ty BP, ONGC và Petrovietnam đưa mỏ khí Lan Tây – Lan Đỏ vào khai thác và vận hành hệ thống đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 26 inch (66,04 cm) dài trên 370 km ở biển và đường ống 30 inch (76,2 cm) từ bờ biển đến Phú Mỹ với công suất 20 triệu m3 khí/ngày (700 mscf/ngày).
Do thị trường khí Việt Nam phát triển chậm nên từ năm 2003, khí khai thác từ cụm mỏ Bunga Kekwa – Cái Nước, Bunga Raya ở vùng thỏa thuận thương mại giữa Việt Nam và Malaysia (bể Malay – Thổ Chu) được xuất khẩu bán cho Malaysia với sản lượng 1,25 tỉ m3/năm (3,4 triệu m3/ngày).
Tổng sản lượng khai thác khí đồng hành và không đồng hành được khai thác đến hết năm 2004 là 37,64 tỉ m3 trong đó lượng khí được đưa vào bờ sử dụng là 18,67 tỉ m3, lượng khí đồng hành sử dụng tại mỏ và phải đột bỏ từ đầu cho tới nay là khá lớn, khoảng 18,97 tỉ m3.. Hiện nay, lượng khí đồng hành phải đốt bỏ hàng năm vào khoảng 800÷900 triệu m3, chiếm khoảng 10% sản lượng khí đồng hành khai thác trong năm. Để tránh lãng phí nguồn tài nguyên không tái tạo này, cần phải có kế hoạch thu gom, vận chuyển vào bờ để phục vụ cho các hộ tiêu thụ.
Sản lượng khai thác khí đồng hành và không đồng hành đưa vào sử dụng bình quân hiện này (2005) khoảng 17 triệu m3/ngày (600 mscf/ngày), trong đó sản lượng khí không đồng hành trên 11 triệu m3/ngày, khí đồng hành từ 2 mỏ Bạch Hổ, Rạng Đông khoảng 5,8 triệu m3/ngày, sản lượng khí không đồng hành ở đất liện (mỏ Tiền Hải C) chỉ có trên 50 nghìn m3/ngày. Như vậy, sản lượng khai thác khí hàng năm hiện tại mới chỉ chiếm 1,6% tổng trữ lượng khí hiện có. Trong tương lai khi hình thành và mở rộng các khu công nghiệp sử dụng khí:
1. Khu Đông Nam Bộ (Bà Rịa – Vũng Tàu – Đồng Nai – tp. Hồ Chí Minh) công suất: 6÷9 tỉ m3/năm;
2.Khu Tây Nam Bộ (Cà Mau – Kiên Gian- Ô Môn/Cần Thơ) công suất: 5÷8 tỉ m3năm;
3. Khu đồng bằng Bắc Bộ (Thái Bình) công suất 1÷2 tỉ m3/năm, nhu cầu cung cấp khí sẽ tăng nhanh, sản lượng khai thác khí sẽ đạt 12÷15 tỉ m3/năm (khoảng 4% trữ lượng) vào năm 2010. Sản lượng khai thác khí có thể đạt trên 15 tỉ m3/năm từ sau năm 2015.
Nếu từ năm 2010 khai thác các mỏ khí ở chế độ giảm áp tự nhiên của khí với nhịp độ 4% năm thì với trữ lượng còn lại, thời gian khai thác còn có thể kéo dài được khoảng trên 20 năm kể từ sau năm 2010.
Những nhận xét chung về dầu khí Việt Nam
1. Dầu mỏ và khí thiên nhiên là tài nguyên quý, không tái tạo, là nguồn năng lượng và nguyên liệu quan trọng cho sự phát triển kinh tế của đất nước. Sau hơn 30 năm xây dựng và phát triển, công tác thăm dò khai thác dầu khí là một trong các hoạt động quan trọng nhất đã có những bước tiến vượt bậc, nhất là từ khi Đảng và Nhà nước ta có chính sách mở cửa. Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được ban hành, ngành dầu khí đã thu hút được hàng chục công ty dầu khí thế giới đầu tư vào thăm dò ở hầu hết các bể trầm tích Đệ Tam có triển vọng dầu khí của Việt Nam, với số vốn đầu tư cho thăm dò khai thác trên 7 tỉ USD, đã phát hiện nhiều mỏ dầu khí mới, sản lượng khai thác dầu khí tăng nhanh, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, góp phần đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế cuối thập niên 80 của thế kỷ 20, đóng góp một tỷ phần lớn cho GDP nước nhà và không ngừng tăng lên, đưa Việt Nam vào danh sách các nước sản xuất dầu khí trên thế giới và đứng thứ 3 ở Đông Nam Á về khai thác dầu thô.
2. Phát hiện ra dầu trong móng nứt nẻ trước Đệ Tam ở mỏ Bạch Hổ của XNLD Vietsovpetro vào năm 1988 là sự kiện tính đột phá, đã làm thay đổi các quan điêm thăm dò truyền thống, cùng với việc áp dụng các giải pháp công nghệ mới vào thăm dò dầu khí ở Việt Nam đã đem lại thành quả to lớn, nhờ đó hàng loạt các giếng thăm dò vào móng dã thành công phát hiện thêm nhiều mỏ dầu mới (Rạng Đông, Hồng Ngọc, Rồng 14, Sư Tử Đen, Sư Tử Vàng, Sư Tử Trắng ở bể Cửu Long và mỏ Đại Hùng ở bể Nam Côn Sơn…) gia tăng trữ lượng dầu khí đáng kể, đảm bảo tăng nhanh sản lượng khai thác dầu khí đáp ứng nhu cầu năng lượng phát triển nền kinh tế quốc dân.
3. Do độ rủi ro cao, nguồn vốn lớn trong tìm kiếm thăm dò dầu khí mà nền kinh tế Việt Nam chưa đủ sức gánh chịu, còn phải dựa vào đầu tư nước ngoài nên mức độ thăm dò không đồng đều, mới chỉ tập trung chủ yếu ở vùng nước nông đến 200m với tổng diện ích các lô đã ký hợp đồng mới chiếm khoảng 1/3 diện tích thềm lục địa. Vì vậy, trong thời gian tới, cùng với việc tiếp tục mỏ rộng hợp tác quốc tế và thu hút đầu tư nước ngoài, Petrovietnam cần phải phát huy nội lực hơn nữa để đẩy mạnh và mở rộng công tác thăm dò nhằm phát hiện các mỏ dầu khí mới, gia tăng trữ lượng làm cơ sở cho việc quy hoạch khai thác dầu khí hợp lý và hiệu quả.
4. Trữ lượng và tiềm năng dầu khí các bể trầm tích Đệ Tam của Việt Nam dự báo là đáng kể (4.300 triệu tấn quy dầu) chủ yếu là khí (trên 50%) và phân bố chủ yếu (>90%) ở thềm lục địa. Dầu khí đã phát hiện vào khoảng 1.208,89 triệu tấn quy dầu chiếm khoảng 28% của tổng trữ lượng và tiềm năng dự báo, trong đó đã phát triển đưa vào khai thác 11 mỏ dầu khí, ngoài ra nhiều phát hiện dầu khí đang được thẩm lượng để phát triển trong vài năm tới. Trừ một số mỏ có quy mô lớn-khổng lồ còn đa số các mỏ đã phát hiện có quy mô trung bình, nhỏ có nhiều tầng chứa với cấu trúc địa chất rất phức tạp nên mặc dù tỷ lệ phát hiện tương đối cao nhưng số mỏ có giá trị thương mại không nhiều, một số phát hiện không thương mại trong điều kiện kinh tế – kỹ thuật và luật hiện hành. Mặc dù con số trữ lượng và tiềm năng dự báo còn tiềm ẩn yếu tố rủi ro nhưng đã đưa ra được định hướng chiến lượng phát triển ngành dầu khí đến năm 2025 nhằm quản lý và khai thác an toàn, hiệu quả hơn nguồn tài nguyên này để phục vụ mục tiêu phát triển nền kinh tế quốc dân.
5. Để đảm bảo gia tăng trữ lượng, duy trì khai thác ổn định lâu dài, đảm bảo an ninh năng lượng cho phát triển kinh tế của đất nước luôn là thác thức lớn đối với ngành dầu khí Việt Nam. Bởi vậy trong thời gian tới Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cần phải phát huy nội lực để đẩy mạnh và mở rộng thăm dò dầu khí ỏ các vùng còn chưa được thăm dò, đồng thời cần đầu tư nghiên cứu tìm hiểu các giải pháp kinh tế – công nghệ để phát triển khai thác các mỏ được xem là nhỏ và các mỏ khí có hàm lượng CO2 cao mà các nhà thầu đã hoàn trả và có được một tổ hợp các giải pháp, chính sách ưu đãi khuyến khích đầu tư nước ngoài để phát triển khai thác các mỏ giới hạn kinh tế trên biển là đòi hỏi thực tế cấp bách. Mặt khác, cần phối hợp với các nhà thầu nghiên cứu áp dụng mới để tăng khả năng thu hồi dầu tại các mỏ đang khai thác. Điều này có nghĩa nền kinh tế rất lớn trong tương lai khi các mỏ dầu khí ngày càng cạn kiệt và việc phát triển các mỏ ở t hềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam ngày càng trở nên phổ biến.
Nguyễn Văn Đắc (Địa chất và Tài nguyên dầu khí Việt Nam)
Nguồn Viện Công nghệ khoan