Công ty Unilever, Tập đoàn hàng đầu của Anh và Hà Lan trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm chăm sóc cá nhân và gia đình, đã bắt đầu dự án nghiên cứu hợp tác với Đại học Tổng hợp Liverpool (Anh) nhằm mục đích phát triển nguyên liệu hóa chất từ các nguồn có thể tái sinh, cụ thể là sinh khối. Nỗ lực này là cố gắng mới nhất của Unilever nhằm tăng hàm lượng nguyên liệu có thể tái sinh trong các sản phẩm của mình mà không gia tăng chi phí đối với người tiêu dùng.
Theo Unilever, động lực của dự án 3 năm này nhu cầu ngày càng tăng đối với các loại nguyên liệu thân môi trường và nhu cầu tìm kiếm nguyên liệu thay thế cho nguyên liệu từ các nguồn hóa thạch. Với chiến lược phát triển dài hạn theo xu hướng này, Unilever có thể bảo đảm nguồn cung, giảm chi phí và bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên đang ngày càng cạn kiệt.
Các đối tác tham gia trong dự án có kế hoạch phát triển hóa chất từ rác thải lâm nghiệp và từ các sản phẩm phụ như đường, mỡ, dầu, cacbonhydrat trong các quá trình sản xuất công nghiệp. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Tổng hợp Liverpool sẽ áp dụng các phương pháp năng suất cao trong phòng thí nghiệm của mình để phát triển các quy trình mới, phục vụ sản xuất nguyên liệu có thể tái sinh. Công ty sản xuất đường AB Sugar tại Anh mới đây đã khánh thành nhà máy etanol sinh học lớn nhất nước này và cũng là đối tác tham gia dự án. AB Sugar sẽ cung cấp bã củ cải đường cho các nhà nghiên cứu, đây là nguyên liệu có nhiều triển vọng cho kế hoạch của Unilever.
Theo các nhà phân tích thị trường, dự án này kết hợp các nhà nghiên cứu với các chuyên gia công nghiệp trong các lĩnh vực hóa học vật liệu, tinh chế sinh học, xúc tác và tổng hợp hóa học, nhằm giải quyết những thách thức của việc chuyển hóa nguyên liệu sinh khối thành các sản phẩm hóa chất giá trị cao. Dự án sẽ góp phần giúp Unilever đạt mục tiêu khai thác và sử dụng 100% nguyên liệu nông nghiệp thân môi trường vào năm 2020, qua đó có thể đạt kế hoạch tăng trưởng trong sản xuất kinh doanh mà không ảnh hưởng đến môi trường.
Công ty Procter &Gamble, nhà sản xuất các sản phẩm tiêu dùng hàng đầu tại Mỹ, cũng đang phát triển nguyên liệu sinh học bằng cách hợp tác với các công ty sinh học như LS9 và ZeaChem.
Tương tự, đối thủ cạnh tranh với Procter &Gamble là Công ty Henkel của Đức cũng đang cố gắng tăng cường sử dụng enzym và các nguyên liệu có thể tái sinh khác để sản xuất các sản phẩm tiêu dùng.
Tuy nhiên, các công ty nói trên đang đứng trước những thách thức không nhỏ: Hiện nay mới chỉ có ít ngời tiêu dùng chấp nhận trả thêm tiền cho các sản phẩm mang nhãn hiệu thân môi trường. Vì vậy, ngay từ ban đầu những quá trình mà các công ty này đang tìm cách phát triển sẽ phải có hiệu quả cạnh tranh về mặt chi phí và giá thành.
Nguồn Chemical & Engineering