Rất nhiều đồ dùng tại Úc như các loại bao bì, giấy, chai nhựa… có ghi rõ “được tái chế”. Vấn đề tái chế rác thải ở Úc hiện nay ra sao và bạn có thể làm gì để giúp cho môi trường sống tốt hơn?
99% dân Úc sử dụng đồ tái chế
Nhà báo Tanya Ha, chuyên gia về môi trường trong chương trình ‘Catalyst’ và ‘Can We Help?’ của Hãng truyền thông Quốc gia Úc ABC, đồng thời là thành viên Ban giám đốc của Trung tâm Bang Victoria Bền vững, trình bày một số ý kiến về vấn đề tái chế rác thải ở Úc hiện nay.
Theo Tanya Ha, rác thải có tác hại nhưng việc tái chế chúng lại có tác dụng tích cực. Thật vậy không? Người dân Úc có lẽ tin như thế và họ không sợ dùng đồ tái chế từ rác thải. Cục Thống kê Úc cho biết khoảng 99% dân Úc sử dụng đồ tái chế hoặc tái sử dụng rác thải.
Mặc dù có thể có nhiều ý kiến khác nhau về hiện tượng biến đổi khí hậu và quyền sử dụng nước, người dân Úc đã cho thấy họ đầy ‘tinh thần trách nhiệm’, luôn tán thành việc tái chế rác thải và thậm chí rất nhiệt tình khi chấp hành rất tốt việc đổ vỏ chai, vỏ lon và giấy vào thùng rác tái chế (thường có nắp thùng màu vàng để phân biệt với thùng chứa loại rác tạp cần tiêu hủy).
Có lẽ không có gì đáng ngạc nhiên khi nhận thấy việc tái chế và vấn đề rác thải thu hút sự chú ý của những người dân Úc trong khi những vấn đề khác không mấy được quan tâm, chẳng hạn như cỏ dại mọc đầy ngoài sân nhà hay con số thống kê chỉ có 11% hộ gia đình ít ỏi chịu mua điện được sản xuất theo công nghệ Năng lượng Xanh (GreenPower).
Tại sao người Úc chịu dùng đồ tái chế nhưng không mua năng lượng xanh? Tại sao người Úc quan tâm tới khăn giấy nhưng không để ý tới cỏ dại mọc ngoài sân?
Tanya Ha cho rằng: “Câu trả lời rất phức tạp nhưng tôi cho rằng một phần nguyên nhân là người Úc đã tận mắt nhìn thấy rác thải”.
Với nhiều người, họ sẽ không hiểu được một tấn cac-bon đi-ô-xít có nghĩa là gì, đặc biệt nếu nó được thải ra từ một nhà máy điện cách họ hàng trăm kilomet. Họ không nhìn thấy CO2, không chạm vào được và không thể tương tác với nó. Nếu sử dụng khăn giấy, người ta có thể nhận ra ngay, có thể cảm thấy khó chịu khi nhìn thấy túi rác hoặc xúc động mạnh khi xem những bức ảnh về động vật biển.
Vấn đề rác thải điện tử
Rác thải điện tử thường được gọi bằng thuật ngữ ‘e-waste’. Mặc dù có một số người tân trang và sử dụng lại máy tính hoặc tivi vì không muốn vứt bỏ những thứ đắt tiền này, phần lớn người Úc gặp vấn đề với việc vứt bỏ những thiết bị này. Thật khó tin khi một chiếc máy tính trị giá hàng ngàn đô-la không thể đem cho ai được chỉ sau một vài năm.
Trên thực tế, một số cơ sở từ thiện có quá nhiều rác thải điện tử được ‘tốt bụng’ đem cho, chủ yếu là tivi kiểu cũ với màn hình sử dụng bóng hình CTR, loại giờ đây không thể bán hay đem cho ai.
Có thể nói rằng nước Úc cần phải có chương trình tái chế cho rác thải điện tử bởi chúng rất phức tạp. Người ta không thể tái chế những rác thải này thông qua việc thu nhặt rác thải tái chế hàng ngày. Lý do là các dịch vụ này được thiết kế để thu nhặt những vật riêng biệt chủ yếu có cấu tạo từ một loại nguyên liệu, ví dụ sách báo, vỏ chai đồ uống làm bằng nhựa hoặc vỏ hộp đồ ăn làm bằng thiếc.
Trong khi đó máy tính lại chứa hỗn hợp nhiều vật liệu khác nhau, bao gồm nhựa, nhôm, chì, kẽm, tantali, nickel, vàng, Pa-la-di và rất nhiều nguyên liệu khác. Các nguyên liệu này cần được tách ra, phân loại để có thể phục hồi từng loại và tái sử dụng. Quy trình phân loại có thể tốn nhiều công sức hoặc những khoản đầu tư lớn để xây dựng nhà máy và mua sắm trang thiết bị.
Như vậy, một chương trình thu nhặt rác thải an toàn và hiệu quả cần được thiết kế và thực hiện. Đó là lý do tại sao các chương trình tái chế đèn huỳnh quang, máy tính và tivi cần một khoảng thời gian mới có thể triển khai.
Sáng kiến về tái chế
Có bốn yếu chính tố thúc đẩy việc phát triển các sáng kiến về tái chế.
Thứ nhất là phải có những chính sách hoặc ít nhất là nhu cầu cần phải có các quy định về vấn đề tái chế.
Yếu tố thứ hai là việc ngăn chặn ô nhiễm. Ví dụ, một phần lý do các chương trình tái chế đèn huỳnh quang đang được phát triển là việc ngăn chặn được thủy ngân thải ra môi trường.
Yếu tố thứ ba là tiền. Rác thải điện tử có thể gồm những kim loại là hàng hóa có thể buôn bán. Nếu những kim loại này có thể phục hồi bằng phương pháp tiết kiệm, người ta có thể kiếm được nhiều tiền và tiết kiệm được chi phí cho khu vực chứa rác thải.
Yếu tố thứ tư chính là bạn. Các chính khách muốn biết mối quan tâm của bạn và mọi người dân. Đó là lý do tại sao những vấn đề được nhiều người quan tâm, như túi nhựa hoặc tiền đặt cọc cho vỏ đồ uống, thường xuất hiện trong chương trình nhóm họp giữa những Bộ trưởng Môi trường các tiểu bang và liên bang.
Sử dụng khôn ngoan tài nguyên
Trong chương trình ‘Can We Help’ trên kênh truyền hình ABC1, nhà báo Tanya Ha đã tới thăm một cơ sở tái chế đĩa CD và DVD và đặt ra câu hỏi rằng “Liệu có nên tái chế những thứ như đĩa DVD hiếm khi bị vứt đi?”.
Hiện tại, thay cho việc tìm các bãi đổ phế thải, người dân có lựa chọn khác là kiểm soát giấy rác và các bao bì cũng như một số rác thải điện tử. Liệu chỉ nên dừng ở đó? Có loại rác nào khác có thể là một nguồn nguyên liệu tái chế tiềm năng hay không? Thậm chí người ta đã biết rằng trong tương lai nước tiểu cũng có thể là nguồn phốt-pho thay thế mà người nông dân cần sử dụng cho công việc đồng áng.
Táo bạo hơn, con người có nên ứng dụng ý tưởng ‘tái sử dụng và tái chế’ với những tòa nhà tương tự như chai lọ và túi? Hơi viển vông, nhưng câu trả lời nằm ở tương lai.
Ứng dụng tái chế là sử dụng khôn ngoan nguồn tài nguyên của Trái đất, giúp phục hồi những nguyên liệu không thể tái tạo và trong nhiều trường hợp, đó chính là tiết kiệm năng lượng và giảm khí thải nhà kính. Tái chế phần nào giúp con người đáp ứng nhu cầu nguyên liệu trong tương lai.
Mặc dù có thể chỉ là một việc nhỏ thường ngày song mỗi khi bạn vứt vỏ chai lọ và hộp giấy vào đúng thùng rác tái chế, bạn đã góp phần cho việc sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên trên toàn cầu.
Hãy tích cực làm điều đó và đề nghị mọi người thân, bạn bè cùng góp tay thực hiện.
Nguồn bayvut.com.au