Phân hóa học hay phân vô cơ là những hóa chất chứa các chất dinh dưỡng thiết yếu được bón vào cây nhằm tăng năng suất.
Các loại phân hóa học chủ yếu là: phân đạm, phân lân, phân kali, phân hỗn hợp, phân vi lượng. Ba loại hóa chấtchính được sử dụng trong phân bón là nitơ (N), phốt phát (P2O5), và potass (K2O).
Nitơ là thành phần chính trong phân đạm, như phân urê (CO(NH2)2) chứa 44–48% nitơ , phân amôn nitrat (NH4NO3) chứa 33–35% nitơ, phân sunphat đạm còn gọi là phân SA ((NH4)2SO4 chứa 20–21% nitơ; phân đạm clorua (NH4Cl) chứa 24–25% nitơ…
Phân phốt phát hay phân lân gồm có phân apatit supe lân 2.4, tecmô phốt phát (phân lân nung chảy – FMP, lân Văn Điển), phân lân kết tủa, diamôn phốt phát (DAP) …, có hàm lượng lân P2O5 từ 15% đến 38 %.
Phân kali gồm có phân clorua kali, phân sunphat kali, phân kali – magie sunphat…, có hàm lượng kali từ 20 đến 60%.
Phân chứa đạm, lân và kali, được gọi phân hỗn hợp NPK, có hàng ngàn loại khác nhau tùy theo tỷ lệ thành phần các dưỡng chất, và tên gọi thương mại cũng khác nhau tùy cơ sở sản xuất.
Phân hóa học đóng vai trò rất quan trọng trong nông nghiệp, làm cây trồng phát triển và tăng sản lượng, tuy nhiên nếu sử dụng không đúng thời điểm, liều lượng sẽ ảnh hưởng xấu đến cây trồng, đến chất lượng sản phẩm, hại đến môi trường và sức khỏe con người.
Phát triển diện tích canh tác theo loại cây trồng ở Việt Nam
Nguồn: Tổng cục Thống kê
Xây dựng các nhà máy sản xuất phân hóa học đáp ứng nhu cầu phát triển của nông nghiệp rất được Nhà nước quan tâm đầu tư, Việt Nam hiện có 4 nhà máy lớn sản xuất phân urê là Công ty TNHH MTV Phân Đạm và Hóa chất Hà Bắc, Nhà máy đạm Phú Mỹ, Công ty TNHH MTV Phân bón Dầu khí Cà Mau, Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình…, chưa kể nhiều doanh nghiệp sản xuất phân bón khác như Lâm Thao, Bình Điền, Phân bón miền Nam… Đặc biệt là Nhà máy đạm Cà Mau đi vào hoạt động góp phần chấm dứt việc nhập khẩu urê. Theo dự kiến, sản lượng urê trong nước sẽ đạt gần 3 triệu tấn vào năm 2015. Nhà máy đạm Hà Bắc đang triển khai dự án mở rộng đầu tư nâng công suất từ 190.000 tấn/năm hiện nay lên 500.000 tấn/năm vào năm 2015. Như vậy trong thời gian tới, Việt Nam có thể hoàn toàn tự chủ nguồn phân urê và tiến tới xuất khẩu.
Còn NPK và super phốt phát Việt Nam đã sản xuất vượt nhu cầu từ năm 2011. Tuy vậy, năm 2012, Việt Nam vẫn phải nhập gần 4 triệu tấn phân hóa học các loại, riêng DAP phải nhập khẩu 65% nhu cầu và sẽ giảm lượng nhập khi nhà máy sản xuất DAP thứ hai ở Lào Cai đi vào hoạt động. Còn 2 loại phân SA và K vẫn phải nhập vì Việt Nam chưa sản xuất được.
Phát triển sản lượng phân urê của 4 nhà máy phân bón ở Việt Nam
Nguồn: Saigon Securities Inc, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí
Một số công ty phân bón chủ yếu ở Việt Nam
Cung cầu một số loại phân bón ở Việt Nam, 2011
Nguồn: Saigon Securities Inc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn dự đoán năm 2013, Việt Nam cần trên 10,3 triệu tấn phân bón các loại, tăng 5% so với năm 2012. Trong số đó, lượng phân urê là 2 triệu tấn, phân kali 950.000 tấn, phân NPK 3,8 triệu tấn, phân SA 850.000 tấn, phân DAP 900.000 tấn, và phân lân 1,83 triệu tấn; Các nhà máy trong nước sản xuất được khoảng trên 8 triệu tấn phân bón, trong đó có 3,7 triệu tấn phân NPK, 1,8 triệu tấn phân lân, 2,2 triệu tấn phân urê, 330.000 tấn phân DAP. Như thế lượng phân lân các loại và phân NPK đã cơ bản đáp ứng nhu cầu trong nước. Đối với phân urê, Việt Nam từ một nước phải nhập khẩu thì nay đã hoàn toàn tự chủ và thậm chí có dư thừa để xuất khẩu.
Nhập khẩu phân bón ở Việt Nam
Nguồn: Tổng cục Thống kê
Ngân hàng thế giới dự báo giá phân đạm, 9/2012
Nguồn: World Bank.
Cung – cầu phân hóa học trên thế giới
Nhu cầu tiêu thụ phân bón phụ thuộc sự phát triển của nền nông nghiệp. Đáp ứng nhu cầu tiêu thụ, lượng nông sản trên thế giới tăng đều hàng năm kéo theo sự phát triển của công nghiệp phân bón.
Ba loại phân hóa học chủ yếu đạm, lân, kali (N+P2O5+K2O) năm 2012 ước tiêu thụ 180,1 triệu tấn, tăng 1,9% so với 2011. Dự báo tổng nhu cầu phân bón trong 2012 đến 2016 sẽ tăng bình quân 1,9% hàng năm, như vậy mức tiêu thụ phân bón trên toàn cầu năm 2016 sẽ lên 194,1 triệu tấn. Riêng N, P2O5, K2O dự báo tăng lần lượt là 1,3; 2; 3,7 % hàng năm. Trong vòng 5 năm tới, khả năng sản xuất và tiêu thụ phân bón trên thế giới vẫn theo xu hướng tăng. Tuy nhiên, trước khả năng tăng của sản xuất phân bón, dự báo trong thời gian tới lượng cung sẽ vượt cầu.
Sản lượng các loại nông sản chủ yếu trên thế giới
Tiêu thụ N, P2O5, K2O trên thế giới, 2012-2016
Tăng trưởng nhu cầu phân hóa học trên thế giới, 2012 – 2016
Dự báo tăng trưởng nhu cầu phân bón (N+P2O5+K2O) thế giới bình quân hàng năm (đến 2016) là 1,9%, đáng kể là khu vực Đông Âu và Trung Á: 3,8%, kế đến là Nam Á: 3,5% và Hạ Sahara châu Phi: 3,3%. Nhu cầu phân kali ở châu Á tăng nhiều, bình quân hàng năm 5,8%, riêng vùng Nam Á đến 10,2%.
Châu Phi duy trì thế mạnh sản xuất và xuất khẩu phân lân và có mức tăng đáng kể về sản lượng phân đạm.
Bắc Mỹ vẫn là nơi cung cấp chính kali, nhưng cung phân đạm không phát triển và có xu hướng sụt giảm trong năm 2016.
Mỹ La Tinh và vùng Caribê cân đối được cung cầu phân đạm trong thời gian tới, nhưng vẫn là khu vực cần nhập khẩu các loại phân bón khác.
Khu vực châu Á có xu hướng phát triển sản xuất phân đạm và hướng đến xuất khẩu, nhưng vẫn phải tiếp tục nhập khẩu kali.
Châu Âu duy trì phát triển là khu vực mạnh về sản xuất và xuất khẩu kali
Dự báo cân bằng cung cầu phân bón trên thế giới
Châu Á là vùng tiêu thụ phân bón lớn nhất thế giới, chiếm đến 58,7% lượng tiêu thụ toàn cầu, chủ yếu ở Đông và Nam Á. Tiêu thụ phân đạm chiếm 61,9% lượng tiêu thụ thế giới, phân lân: 59.6% và kali: 44,9%, dự báo đến 2016 sẽ cân đối được cung cầu phân đạm, nhưng vẫn thiếu phân lân và kali.
Dự báo cân bằng cung-cầu phân bón ở châu Á
Nguồn: FAO, Current world fertilizer trends and outlook to 2016
Sử dụng phân bón ở các nước
Nguồn: www.nationmaster.com
Nguồn: cesti.gov.vn/STINFO số 5/2013