Ba dự án lọc hóa dầu lớn tại Việt Nam là Dung Quất, Victory và Nam Vân Phong đã có những bước tiến dài trong cùng một tuần qua, song nhìn tổng thể, đầu tư vào lọc hóa dầu còn rất nhiều thách thức.
Là cơ sở lọc dầu đầu tiên tại Việt Nam, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất do Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) thuộc PVN quản lý có quy mô 6,5 triệu tấn dầu thô/năm, đã cho ra sản phẩm đầu tiên vào tháng 2/2009, sau 13 năm kể từ khi bắt đầu triển khai và chính thức khánh thành vào tháng 1/2011.
Ở công suất hiện tại, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đáp ứng khoảng 30% nhu cầu xăng dầu của cả nước với các sản phẩm xăng A92/95, dầu hỏa, nhiên liệu phản lực, dầu DO, dầu FO, LPG, đồng thời cung cấp thêm sản phẩm hạt nhựa polypropylen (PP).
Với lợi thế là nhà máy lọc dầu đầu tiên tại Việt Nam, nên nhiều cơ chế ưu đãi đã được áp dụng, giúp Nhà máy Lọc dầu Dung Quất hoạt động có hiệu quả. Nếu trong 6 tháng đầu năm 2012, BSR còn lỗ 2.200 tỷ đồng, thì tới cuối năm, đã phủ gần xong số lỗ này. Năm 2013, BSR lãi khoảng 2.000 tỷ đồng và năm 2014, BSR được dự báo có thể đạt mức lợi nhuận 4.000 tỷ đồng.
Ông Đinh Văn Ngọc, Tổng giám đốc BSR cho hay, sau khi mở rộng, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sẽ có quy mô 8,5 – 9 triệu tấn dầu thô đầu vào/năm so với 6,5 triệu tấn dầu thô/năm hiện tại. Với cấu hình công nghệ được đề xuất lựa chọn như hiện nay, quy mô đầu tư nâng cấp mở rộng sẽ nằm trong khoảng 1,8 – 2 tỷ USD. Theo kế hoạch, việc mở rộng công suất này cần thời gian 60 – 78 tháng.
Việc mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất không chỉ đơn thuần là tăng thêm công suất hiện có, mà còn là để sử dụng được đa dạng nguồn dầu thô đầu vào. Theo thiết kế ban đầu, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sử dụng đầu vào là dầu Bạch Hổ – loại dầu có ít lưu huỳnh và tạp chất, được giá cao hơn so với các loại dầu đang sử dụng để công bố giá của thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, do Nhà máy Lọc dầu Dung Quất chậm tiến độ so với các dự tính ban đầu, cũng như mỏ Bạch Hổ đã ở phía bên kia của đỉnh cao khai thác, nên việc đa dạng hóa nguồn dầu thô đầu vào là bài toán kinh tế được đặt ra. Hiện tại, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đang sử dụng khoảng 80% nguồn dầu Bạch Hổ.
Song song với việc phương án tự đầu tư, Thủ tướng Chính phủ cũng cho phép PVN triển khai việc đàm phán chuyển nhượng cổ phần của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất với đối tác Gazprom Neft (GPN) đến từ Nga.
Dù vậy, việc hoàn tất đàm phán trong năm 2014 để bán 49% cổ phần Nhà máy Lọc dầu Dung Quất cho GPN được đặt ra thời gian qua chưa hẳn đã khả thi và NMLD Dung Quất năm 2015 sẽ còn rất nhiều việc bộn bề.
Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn: Tiến độ thuận lợi
Là dự án lọc dầu thứ 2 tại Việt Nam, Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) quy mô giai đoạn I 10 triệu tấn dầu thô/năm, tổng vốn đầu tư lên tới hơn 9 tỷ USD có sự tham gia góp vốn của PVN với tỷ lệ 25,1%.
Phần còn lại thuộc về Công ty Dầu khí Quốc tế Kuwait (KPI), Công ty Idemitsu Kosan Nhật Bản (IKC) và Công ty Hóa chất Mitsui Nhật Bản (MCI). Chủ đầu tư cũng tính tới khả năng nâng công suất lên 20 triệu tấn dầu thô/năm. Với sự tham gia của KPI, dầu thô đầu vào cho Dự án sẽ được cung cấp từ Kuwait.
Theo tiến độ, Dự án hoàn thành xây dựng vào quý IV năm 2016 và vận hành thương mại giữa năm 2017 với các sản phẩm: khí hoá lỏng LPG; xăng A92, A95, A98; nhiên liệu phản lực; diesel cao cấp và diesel thường…
Khi NSRP vận hành thương mại năm 2017, sản phẩm của NSRP và Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sẽ đáp ứng tổng cộng 70% nhu cầu xăng dầu của cả nước. Ở thời điểm này, NSRP đang triển khai đồng bộ các hạng mục, từ nhà máy chính, đê, cảng, các công trình phụ trợ và bám sát kế hoạch đề ra. Công tác giải phóng mặt bằng, nguồn nhân lực, đảm bảo mặt bằng thi công, an ninh, an toàn công trường cơ bản đáp ứng yêu cầu.
Bởi tính chất đặc biệt của NSRP trong câu chuyện an ninh năng lượng và thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực mới ở Việt Nam những năm trước, nên NSRP cũng có một số cơ chế ưu đãi ngay khi cấp phép đầu tư hồi năm 2008.
Cụ thể, được áp dụng mức giá bán buôn tại cổng nhà máy bằng giá nhập khẩu cộng thuế nhập khẩu 7% đối với các sản phẩm lọc dầu (trừ LPG 5%) và 3% đối với các sản phẩm hóa dầu trong 10 năm đầu kể từ khi đi vào vận hành thương mại. Trong thời hạn nêu trên, nếu Nhà nước quy định mức thuế nhập khẩu thấp hơn, thì Nhà nước sẽ bù giá cho công ty liên doanh.
Đây cũng chính là cơ chế mà PVN đã xin cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất được hưởng ngay khi đi vào hoạt động và nhờ đó đã tạo được hiệu quả đáng kể như trên.
Lọc dầu Nhơn Hội: Chờ dậy sóng
Có công suất được đặt ra trong Báo cáo khả thi là 400.000 thùng dầu thô/ngày (tương đương 20 triệu tấn/năm) với quy mô vốn đầu tư 22 tỷ USD, siêu dự án lọc hóa dầu này cũng có kế hoạch sau năm 2021 sẽ xem xét nâng công suất lên 660.000 thùng dầu thô/ngày (tương đương 30 triệu tấn/năm) với quy mô vốn tăng lên 30 tỷ USD. Nguồn dầu thô đầu vào đến từ Trung Đông, châu Phi và Mỹ La tinh với mục tiêu giảm nhẹ tác động rủi ro của nguồn cung.
Việc được chấp thuận bổ sung dự án này vào quy hoạch phát triển ngành dầu khí, thuộc danh mục dự án đặc biệt khuyến khích đầu tư mở ra cơ hội chuyển động nhanh hơn cho dự án này, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức.
Hiện tại, siêu dự án lọc hóa dầu này đã được đồng ý cho hưởng ưu đãi như các dự án khác triển khai tại địa bàn khó khăn, khu kinh tế, khu công nghiệp cao như: thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 15 năm, miễn thuế trong 4 năm đầu, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Khi nhà máy hoàn thành, các sản phẩm lọc hóa dầu cũng được bán và phân phối tại thị trường Việt Nam, nhưng Chính phủ không cam kết mức thuế nhập khẩu sản phẩm lọc dầu, hóa dầu của Dự án.
Trước đó, các nhà đầu tư nước ngoài đã đề nghị một số ưu đãi bổ sung nhằm gia tăng hiệu quả với Dự án, như được hưởng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% với thời hạn 30 năm, trong đó 13 năm đầu được miễn thuế.
Cũng trong 13 năm đầu vận hành thương mại, Dự án muốn được áp dụng mức giá bán buôn tại cổng nhà máy là giá nhập khẩu cộng thuế nhập khẩu 7% với các sản phẩm lọc dầu, 5% cho LPG và 3% với các sản phẩm hóa dầu. Đồng thời muốn được bù phần thuế này khi có sự thay đổi như các dự án lọc hóa dầu hiện nay đang được hưởng là NMLD Dung Quất và Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Mặt khác, việc tìm kiếm đối tác Việt Nam có tên tuổi trong lĩnh vực dầu khí hay xăng dầu, mà cụ thể là PVN hay Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) tham gia siêu dự án sẽ khó khả thi, bởi 2 doanh nghiệp này đang tham gia các dự án lọc hóa dầu khác.
Bộ Công thương trong báo cáo về Dự án Lọc hóa dầu Nhơn Hội cũng cho rằng, với một dự án có tổng mức đầu tư lớn, rủi ro cao như Tổ hợp Lọc hóa dầu Nhơn Hội, kể cả khi được bổ sung vào Quy hoạch, thì cũng mới chỉ là bước khởi đầu. Việc có triển khai đầu tư xây dựng hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhất là việc đàm phán giữa nhà đầu tư với các bên cho vay về điều kiện thu xếp vốn.
Nam Vân Phong: Đối tác khả thi
Bản ghi nhớ hợp tác giữa Petrolimex với JX Nippon Oil Enegry (JX NOE)) mở đường cho việc đối tác nước ngoài tham gia thị trường bán lẻ xăng dầu và góp vốn đầu tư Dự án Tổ hợp lọc hóa dầu Nam Vân Phong được ký kết tuần trước cũng hứa hẹn một triển vọng mới.
Trong báo cáo của Bộ Công thương đánh giá về các dự án lọc hóa dầu trong quy hoạch, Dự án Lọc hóa dầu Nam Vân Phong được biết tới với quy mô 10 triệu tấn với nguyên liệu dầu thô đầu vào là nhập khẩu.
Dù quy mô lớn, nhưng Bộ Công thương cũng thừa nhận, Tổ hợp lọc hóa dầu Nam Vân Phong có tiến độ triển khai chậm hơn nhiều so với yêu cầu trong quy hoạch.
Tại dự án này, phía Việt Nam có thể tham gia với tỷ lệ không quá 30% vốn đầu tư và sẽ tăng lên theo lộ trình phù hợp được thống nhất bởi các bên tham gia Dự án.
Petrolimex và JX NOE dự kiến hoàn tất việc phát hành tăng vốn, thành lập công ty liên doanh đầu tư Dự án Tổ hợp Lọc hóa dầu Nam Vân Phong để xúc tiến các thủ tục đầu tư vào giữa năm 2015.
Tập đoàn JX NOE được thành lập năm 2010, có trụ sở chính đặt tại Tokyo (Nhật Bản), là đơn vị có 100% vốn đầu tư từ Tập đoàn mẹ JX Holdings với số vốn lên tới gần 140 tỷ yên, tương đương hơn 25.000 tỷ đồng.
Với JX NOE, dường như Petrolimex đã có thể thở phào để tính chuyện triển khai Dự án Lọc hóa dầu Nam Vân Phong, bởi mục tiêu dài lâu của nhà đầu tư này là thị trường bán lẻ xăng dầu Việt Nam, vốn không được mở cửa riêng rẽ cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia.
NMLD Vũng Rô: Vẫn nhiều thách thức
Dự án NMLD Vũng Rô được Công ty Technostar Ltd. (Anh) và Công ty Dầu khí Telloil (Nga) cùng góp vốn thực hiện, có tổng vốn đầu tư 3,2 tỷ USD, công suất 8 triệu tấn/năm, được triển khai xây dựng tại xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa (Phú Yên) trên diện tích 538 ha đã tiến hành động thổ vào tháng 9/2014 .
NMLD Vũng Rô sẽ chế biến và phân phối các sản phẩm lọc hóa dầu từ dầu thô gồm PP, benzen, toluene, xylene, probane, LPG, xăng RON 92/95, nhiên liệu phản lực, diezel, dầu FO, lưu huỳnh.
Tuy nhiên, Vũng Rô cũng không được áp dụng mức giá bán buôn tại cổng nhà máy bằng giá nhập khẩu cộng thuế nhập khẩu 7% đối với các sản phẩm lọc dầu (trừ LPG 5%) và 3% đối với các sản phẩm hóa dầu và được bù giá nếu thuế nhập khẩu thấp hơn các mức trên như tại NSRP.
Trong danh sách các NMLD đang bị chậm tiến độ so với yêu cầu đề ra trong quy hoạch, Bộ Công thương cho hay, NMLD Vũng Rô đang trong giai đoạn lập thiết kế tổng thể (FEED) và thu xếp vốn (chưa có quyết định đầu tư cuối cùng), với mục tiêu hoàn thành vào năm 2017-2018. “Tuy nhiên, để đạt được tiến độ này vẫn còn nhiều thách thức”, báo cáo viết.
Bộ Công thương cũng đã chính thức trình Chính phủ việc giãn tiến độ hoàn thành của NMLD Long Sơn (được giao cho PVN là chủ đầu tư) sang giai đoạn sau năm 2025 và loại bỏ khỏi Quy hoạch dự án NMLD Cần Thơ.
Có quy mô 2 triệu tấn dầu thô/năm, NMLD Cần Thơ đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào tháng 5/2008. Theo tối hậu thư mới nhất của UBND TP. Cần Thơ, tới ngày 15/1/2015, nếu Dự án không triển khai, thì sẽ bị thu hồi giấy phép.
Hoahocngaynay.com
Nguồn Báo Đầu tư