Biến đổi khí hậu có ảnh hưởng to lớn đến sức khỏe con người
Bức tranh toàn cảnh
Các nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học trên thế giới cho thấy, biến đổi khí hậu đã xảy ra trên phạm vi toàn cầu, gây tác động ngày càng mạnh mẽ đến mọi quốc gia và sự sống trên trái đất. Biến đổi khí hậu làm cho thiên tai, thảm hoạ, đặc biệt là bão, lũ lụt, hạn hán, động đất, sóng thần ngày càng gia tăng về tần suất, cường độ và quy mô.
Trong những năm gần đây, do biến đổi khí hậu nên những cơn bão có sức tàn phá lớn xuất hiện ngày càng nhiều, gây phá huỷ nhà cửa, công trình, hoa màu, cướp đi sinh mạng của hàng ngàn người. Nguy cơ sóng thần luôn đang đe doạ nhiều quốc gia trên thế giới. Động đất, lũ lụt cũng có chiều hướng gia tăng. Gần đây nhất, năm 2009 động đất xảy ra ở một số nước châu Á (Trung Quốc, Hai-ti…), trong đó riêng Hai-ti số người chết và bị thương hơn 250 ngàn người, gây tổn thất rất lớn về kinh tế, chính trị và môi trường.
Năm 2008 ở nước ta đã xảy ra lũ lụt, ngập úng do mưa to và nhiều, gây thiệt hại rất lớn về người và hoa màu trong phạm vi cả nước. Lũ lụt làm cho môi trường bị ô nhiễm, nước cuốn đi từ mặt đất tất cả những chất bẩn, chất thải hòa tan trong nước cùng với rác rưởi, phân gia súc, xác súc vật chết (mèo, chuột, ếch nhái…) làm cho nguồn nước bị ô nhiễm nặng nề.
Phân và rác không những gây ô nhiễm nguồn nước, mà còn là môi trường lý tưởng để ruồi muỗi, chuột phát triển, tạo điều kiện cho các bệnh truyền nhiễm bùng lên thành dịch lớn, gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sức khoẻ nhân dân.
Việt Nam là một nước nhiệt đới được đánh giá là đang phát triển, có bờ biển dài và phải chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu, đặc biệt là mực nước biển dâng. Trong khoảng 50 năm qua, nhiệt độ trung bình năm ở nước ta đã tăng khoảng 0,5 – 0,7oC, mực nước biển đã dâng khoảng 20cm. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, vào cuối thế kỷ 21, nhiệt độ trung bình ở Việt Nam có thể tăng 2,3oC so với trung bình thời kỳ 1980-1999 và mực nước biển có thể dâng thêm 75cm. Nước biển dâng gây ảnh hưởng lớn đến các hoạt động sản xuất, đời sống, sức khoẻ dân cư vùng đồng bằng ven biển.
Những tác động trực tiếp tới sức khoẻ
Khí hậu biến đổi có liên quan trực tiếp và gián tiếp đến đời sống và sức khoẻ cộng đồng ở mọi quốc gia, đặc biệt là những người nghèo sinh sống ở những vùng dễ bị tác động của biến đổi khí hậu gây ra (sóng thần vùng ven biển, các bệnh truyền nhiễm ở vùng nhiệt đới…).
Tác động trực tiếp của biến đổi khí hậu đến sức khoẻ con người thông qua mối quan hệ trao đổi vật chất, năng lượng giữa cơ thể người với môi trường xung quanh, dẫn đến những biến đổi về sinh lý, tập quán, khả năng thích nghi và những phản ứng của cơ thể đối với các tác động đó.
Các đợt nắng nóng kéo dài, nhiệt độ không khí tăng, gây nên những tác động tiêu cực đối với sức khoẻ con người, dẫn đến gia tăng một số nguy cơ đối với tuổi già, những người mắc bệnh tim mạch, bệnh thần kinh, dị ứng.
Tác động gián tiếp của biến đổi khí hậu đến sức khoẻ con người thông qua những nguồn gây bệnh, làm tăng khả năng bùng phát và lan truyền các bệnh dịch như bệnh cúm A/H1N1, cúm A/H5N1, tiêu chảy, dịch tả… Biến đổi khí hậu làm tăng khả năng xảy ra một số bệnh nhiệt đới như sốt rét, sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản, làm tăng tốc độ sinh trưởng và phát triển nhiều loại vi khuẩn và côn trùng, vật chủ mang bệnh (ruồi, muỗi, chuột, bọ chét, ve).
Biến đổi khí hậu là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự xuất hiện trở lại của một số bệnh truyền nhiễm ở vùng nhiệt đới (sốt rét, sốt Dengue, dịch hạch, dịch tả), xuất hiện một số bệnh truyền nhiễm mới (SARS, cúm A/H5N1, cúm A/H1N1), thúc đẩy quá trình đột biến của virut gây bệnh cúm A/H1N1, H5N1 nhanh hơn.
Các hoạt động của con người đã gây biến đổi hệ sinh thái cả ở trên cạn và dưới nước, săn bắn trái phép làm giảm đáng kể, thậm chí gây diệt vong một số loài thú hiếm, phát thải khí nhà kính ngày càng tăng là nguyên nhân chủ yếu của xu thế ấm lên toàn cầu, tầng ozon bị phá huỷ dẫn đến sự tăng cường độ bức xạ tử ngoại trên mặt đất, là nguyên nhân gây bệnh ung thư da và các bệnh về mắt.
Khí hậu biến đổi – vì sao?
Các hoạt động của con người như chặt phá và khai thác rừng bừa bãi, khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên không có kiểm soát, gây ô nhiễm môi trường, phá huỷ cân bằng sinh thái và đa dạng sinh học. Ở nước ta, nhiều nơi rừng bị phá huỷ nặng nề, đất bị xói mòn, thoái hoá, dẫn đến thiên tai, lũ lụt, đe doạ trực tiếp đến sức khoẻ và cuộc sống của nhân dân.
Các chất thải cũng góp phần gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Trong cuộc sống hàng ngày, con người thải ra môi trường bên ngoài vô vàn các loại chất thải khác nhau. Hiện nay, ở nước ta chất thải đang là vấn đề bức xúc của toàn xã hội, chất thải đang hàng ngày hàng giờ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ con người. Chất thải được chia làm 3 loại: chất thải công nghiệp, chất thải y tế và chất thải sinh hoạt.
Chất thải công nghiệp là những chất thải do nhà máy, xí nghiệp thải ra trong quá trình hoạt động như axit, kiềm, hoá chất độc của nhà máy hoá chất gây ô nhiễm đất và nguồn nước (thí dụ điển hình là chất thải của công ty sản xuất bột ngọt Vedan), bụi của các xí nghiệp sản xuất xi măng, chất thải trong giao thông vận tải (khói ô tô, xe máy) gây ô nhiễm không khí, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ người dân.
Chất thải y tế là các loại chất thải phát sinh trong các cơ sở y tế do các hoạt động khám chữa bệnh, chăm sóc, xét nghiệm, phòng bệnh và nghiên cứu (bao gồm các chai lọ, ống nghiệm, bơm kim tiêm, dao mổ, băng gạc, các dung dịch, hoá chất dùng để xét nghiệm, khử trùng, đặc biệt các chất thải y tế nguy hại như máu, dịch cơ thể, chất bài tiết của bệnh nhân truyền nhiễm, bơm kim tiêm và các vật sắc nhọn như dao, kéo dùng cho bệnh nhân HIV/AIDS, bệnh nhân mắc các bệnh truyền nhiễm, các dược phẩm, hoá chất và các chất phóng xạ dùng trong y tế).
Nếu những chất thải này không được tiêu huỷ sẽ gây nguy hại cho môi trường và sức khoẻ con người. Chất thải sinh hoạt bao gồm các loại rác thải do sinh hoạt hàng ngày của con người như túi nilon, vật liệu đóng gói, đồ hộp, thức ăn dư thừa của người và gia súc, xác súc vật chết… Đặc biệt các túi nilon có thể tồn tại nhiều năm không phân huỷ, gây ô nhiễm rất lớn cho môi trường. Vì vậy, TCYTTG khuyến cáo nên sử dụng túi giấy thay thế cho túi nilon để cải thiện môi trường. Tuy nhiên, để thay đổi được thói quen dùng túi nilon của con người không phải là dễ.