Trong khoảng 10 năm trở lại đây, tình hình ô nhiễm khói bụi ngày càng trở nên trầm trọng do sự phát triển của các ngành công nghiệp sản xuất và công nghiệp chế biến.
Đột quỵ và tiểu đường
Các nhà nghiên cứu cho biết, chế độ ăn uống không lành mạnh, hoạt động thể chất kém, thường xuyên hút thuốc lá, bị bệnh tăng huyết áp và béo phì là những nguyên nhân hàng đầu gây đột quỵ. Tuy nhiên, gần đây các chuyên gia cũng đã xếp ô nhiễm không khí (cả trong nhà và ngoài trời) vào nhóm các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ. Cụ thể là nó chiếm khoảng 1/3 nguyên nhân gây đột quỵ theo số liệu nghiên cứu của năm 2013.
Giáo sư Valery Feigin, giảng viên Đại học Công nghệ Auckland, New Zealand, người đứng đầu nhóm nghiên cứu này cho biết: “Một kết quả nổi bật trong nghiên cứu của chúng tôi, đó là ô nhiễm không khí chiếm tỷ lệ cao trong các nguyên nhân gây đột quỵ, đặc biệt là ở những nước đang phát triển”.
Thống kê cho thấy, mỗi năm, trên thế giới có khoảng 15 triệu người bị đột quỵ, trong đó, gần 6 triệu người tử vong và 5 triệu người còn lại bị các di chứng nặng nề (bao gồm mất thị lực hoặc nói ngọng, tê liệt, lú lẫn). Tuy có sự khác biệt rất lớn giữa các quốc gia và khu vực, nhưng những yếu tố nguy cơ hàng đầu gây đột quỵ đều giống nhau, trong đó bao gồm cả yếu tố ô nhiễm không khí.
Giáo sư Valery Feigin cho biết thêm: “Đột quỵ là nguyên nhân đứng thứ 2 gây tử vong và là nguyên nhân thứ 3 gây khuyết tật trên toàn thế giới. Các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí nên được ưu tiên trong cuộc chiến chống lại căn bệnh này”.
7 triệu người tử vong liên quan đến ô nhiễm không khí
Thống kê từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy, có khoảng 1/8 tổng số ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm (khoảng 7 triệu người) là do bị nhiễm các bệnh có liên quan đến không khí và môi trường sống.
Chỉ trong năm 2012 thế giới có 7 triệu trường hợp tử vong do các bệnh liên qua đến ô nhiễm môi trường, chủ yếu là các bệnh về phổi và tim mạch do không khí bị ô nhiễm. Tổ chức Y tế Thế giới cũng cho biết, mỗi năm có đến 2 triệu trẻ em tử vong vì các bệnh bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp, trong đó 60% là do ô nhiễm không khí.
Ngoài ra, trong một báo cáo khác, WHO cũng đưa ra dự tính mỗi năm có khoảng 3-5% trẻ em trên toàn thế giới sinh ra bị khuyết tật bẩm sinh, mà nguyên nhân chính là do ô nhiễm môi trường.
Một nghiên cứu gần đây cho thấy, ô nhiễm môi trường có liên quan trực tiếp đến sự gia tăng bệnh tiểu đường tuýp 2 ở trẻ nhỏ. Để đi đến kết luận này, các nhà khoa học đã phải tiến hành xét nghiệm mẫu máu của 378 trẻ nhỏ 10 tuổi, từ đó phát hiện ra những trẻ sống trong khu vực không khí bị ô nhiễm có nồng độ insulin cao hơn hẳn so với trẻ nhỏ sống ở khu vực ít bị ô nhiễm.