Năm 1972 kỹ sư người Nga V.M. Bakhir lần đầu tiên đã phát hiện ra hiện tượng hoạt hóa điện hóa. Bản chất của hiện tượng hoạt hóa điện hóa là sự chuyển trạng thái của nước có độ khoáng hóa thấp trong buồng điện hóa có màng ngăn sang trạng thái giả bền.
Trạng thái giả bền được đặc trưng bởi các thông số vật lý, hóa học bất bình thường và sẽ thay đổi theo xu hướng tiến dần tới các giá trị cân bằng. Các chất lỏng ở trạng thái giả bền có tính hoạt động hóa học đặc biệt cao hơn mức bình thường rất nhiều lần. Các chất lỏng này được gọi là dung dịch hoạt hóa điện hóa, còn công nghệ điều chế và ứng dụng chúng được gọi là công nghệ hoạt hóa điện hóa.
Các nhà khoa học Mỹ thuộc công ty Oculus (tại California) vừa tạo ra một dung dịch siêu kháng khuẩn có thể làm mau lành các vết thương.
Dung dịch này có khả năng giết vius, vi khuẩn và nấm không hề thua kém các loại thuốc khử trùng khác, kể cả có thể diệt khuẩn cầu vàng (MRSA hay EDRM), một loại vi khuẩn có sức đề kháng cao với nhiều loại thuốc khử trùng. Theo Andrés Gutiérrez, giám đốc y khoa của Oculus, dung dịch mới còn có ưu điểm là không gây hại đến các mô tế bào lành xung quanh vết thương, thêm vào đó còn làm cho các mạch máu lưu thông đẩy nhanh quá trình làm lành vết thương.
Nước siêu oxy hóa diệt khuẩn có thành phần chủ đạo là Microcyn, các ion oxy-chlorine, các phần tử tích điện có khả năng phá vỡ vách tế bào các vi khuẩn tự do và không gây ảnh hưởng đến tế bào con người. Để tạo ra sản phẩm này, người ta cho nước qua một màng thấm muối natri clorua (NaCl), sau đó đưa hỗn hợp qua một dòng điện phân cao để thu các ion oxy-chlorine. Dung dịch được tạo ra có độ pH trung tính và không gây hại đến các mô tế bào. Theo tạp chí New Scientist, hiện nay dung dịch đang được dùng thử trong việc chữa trị chứng loét bàn chân ở những bệnh nhân tiểu đường và mang lại nhiều kết quả lạc quan. Với dung dịch nước siêu oxy hóa, vết thương ở những bệnh nhân này có thể lành trong khoảng 40 ngày thay vì 55 ngày với phương pháp điều trị hiện tại.
Nguồn: Hoahocngaynay.com