Bắt nhịp cùng sự phát triển của xã hội hiện hiện đại, máy bơm công nghiệp trở thành phương tiện cần thiết phục vụ trong sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, trong hệ thống cấp thoát nước của thành phố và hộ gia đình, trong nuôi trồng thủy sản…Trên thị trường máy bơm hiện nay có bán khá nhiều mẫu mã nhằm đáp ứng mọi nhu cầu của mọi đối tượng người tiêu dùng. Do đó, bạn cần tìm hiểu các đặc tính của từng loại để phân loại và chọn mua một chiếc máy bơm công nghiệp phù hợp với mục đích sử dụng của mình.
1. Nguyên lý hoạt động của bơm công nghiệp
Trong công nghiệp hóa chất, công nghiệp thực phẩm bơm được sử dụng rất phổ biến và đa dạng. Vì vậy bơm được chia thành nhiều loại tùy theo đặc trưng cấu tạo và nguyên lý hoạt động
*) Bơm thể tích: do bộ phận tịnh tiến hay quay của bơm làm thay đổi thể tích bên trong tạo nên áp suất âm ở đầu hút và áp suất dương ở đầu đẩy, do đó thế năng và áp suất của dòng chất lỏng được tăng lên khi đi qua bơm.
*) Bơm ly tâm: Nhờ lực ly tâm tạo ra bên trong dòng chất lỏng được tạo ra khi guồng bơm quay mà chất lỏng được hút và đẩy ra khỏi bơm
*) Bơm đặc biệt: Bao gồm các loại bơm còn lại… có cấu tạo guồng bơm, cánh bơm dạng đặc biệt, hoặc dạng màng….
2. Các thông số đặc biệt của bơm trong công nghiệp
Khi sử dụng và lựa chọn bơm trong các hệ thống người ta thường để ý các thông số cơ bản của bơm như sau: năng suất, áp suất, công suất của động cơ, hiệu suất làm việc của bơm. Năng suất của bơm có đơn vị là m3/s hoặc lít/min; Áp suất của bơm được hiểu là tổng áp suất âm ở đầu hút của bơm và áp suất dương ở đầu đẩy của bơm, được đo bằng kg/cm2 hoặc mét H2O; công suất của động cơ là công suất của động cơ điện được lắp vào trục bơm để tạo ra công để truyền động cho guồng bơm, đơn vị của công suất thường là HP hoặc kW; hiệu suất làm việc của bơm thì phức tạp hơn một chút, đó là tổng thể của hiệu suất động cơ, hiệu suất của guồng…
3. Một số dạng bơm trong công nghiệp mà chúng ta hay gặp
3.1 Bơm ly tâm
Nguyên tắc làm việc của bơm ly tâm như chúng ta đã biết là nó nhờ vào lực ly tâm khi quay cánh guồng để tạo ra thế năng cho nước và tạo ra chênh lệch áp suất ở đầu hút và đầu đẩy của bơm ly tâm.
Cấu tạo cơ bản của bơm ly tâm gồm các bộ phận chính như sau: Bầu bơm, trong bầu bơm có chứa cánh bơm và trục bơm để kết nối giữa động cơ và cánh bơm. Động cơ tạo ra công suất cho bơm, tiếp đến là bệ bơm, ngoài ra còn có hộp chèn cơ khí để làm kín bơm, nếu là các bơm lớn thì chúng có các khớp nối trục hoặc bầu dầu để làm mát trục của bơm…
Tùy vào nhu cầu sử dụng của bơm mà người ta có thể chế tạo bơm với các dạng cấu trúc cánh bơm khác nhau, như cánh bơm ly tâm hở, cánh bơm ly tâm kín, hoặc cánh bơm ly tâm dạng nửa đóng.
Ngoài ra còn có bơm ly tâm một tầng cánh và bơm ly tâm nhiều tầng cánh. Đối với bơm ly tâm 1 tầng cánh, chiều cao áp suất nước đầu ra bị hạn chế, muốn tăng áp suất bắt buộc phải tăng công suất và tốc độ vòng quay của động cơ, nhưng việc tăng lên không phải là giải pháp hữu hiệu. Mục đích sử dụng nhiều tầng cánh trong bơm ly tâm là để tăng áp suất đẩy của dòng nước ra tại họng đẩy của bơm. Khi đó thế năng của dòng nước sẽ được tăng lên rất lớn và áp suất đầu ra có thể đạt hàng chục kg/cm2. Do đó mà phạm vi sử dụng của bơm ly tâm rất đa dạng.
Ngoài ra để phục vụ đa năng của bơm ly tâm, người ta còn phân ra làm bơm ly tâm trục ngang và bơm ly tâm trục đứng. Việc thiết kế bơm ly tâm như này để thuận tiện cho không gian lắp đặt.
Ưu điểm của bơm ly tâm đó là nó có khả năng được sử dụng trong rất nhiều lĩnh vực, như bơm nước, bơm hóa chất, bơm huyền phù… với khoảng năng suất rộng và khoảng áp suất rộng. Vận hành an toàn và tính ổn định cao.
Nhược điểm của bơm ly tâm là khi nhiệt độ nước tăng lên, chiều cao áp suất của bơm sẽ giảm. Đó là vấn đề cần được quan tâm trong quá trình chọn lựa bơm.
Hiện tượng xâm thực bơm ly tâm: khi bơm ly tâm làm việc, ở ống hút hoặc bộ phận nào đó trong bơm ly tâm có áp suất đột ngột hạ xuống thấp hơn áp suất hơi bão hòa của dung môi cần bơm, khi đó dung môi cần bơm sẽ bay hơi và tạo thành các giọt nước li ti và có xu hướng va đập vào cánh bơm làm hỏng cánh bơm và giảm hiệu suất của bơm, nguy hiểm hơn, nó sẽ tạo ra khoảng trống và giảm áp suất hút bơm của bơm và đến một lúc nó sẽ không hoạt động được nữa.
2. Bơm màng
Nguyên lý hoạt động của bơm màng giống như bơm pistong, nghĩa là nó làm thay đổi thể tích buồng bơm và tạo ra áp suất âm trong buồng bơm khi ở nửa chu trình hút, và tạo áp suất dương trong buồng bơm khi ở nửa chu trình đẩy. Để giữ được ở trong buồng bơm và ở các đường ống hút và ống đẩy nó có hệ thống van 1 chiều ở hai đầu ống hút và đẩy.
Ứng dụng của bơm màng để bơm hóa chất có tính ăn mòn cao, vì màng được làm từ các chất chống ăn mòn cao. Ngoài ra chúng còn được dùng để bơm định lượng hóa chất châm vào cho hệ thống xử lý.
3. Bơm xoáy lốc
Bơm xoáy lốc có nguyên lý làm việc gần giống bơm bánh răng, bơm cánh gạt. Trong bầu bơm có cánh bơm, được chia thành rất nhiều các cánh bơm nhỏ và quay với vận tốc lớn tạo thế năng cho dung dịch cần bơm và đẩy dung dịch đi.
Ưu điểm của bơm xoáy lốc là nó tạo ra áp suất đầu đẩy rất cao mà cấu tạo bầu bơm và cánh bơm lại không quá phức tạp. Nhưng nhược điểm của nó là có năng suất thấp và không bơm được dung môi có chứa huyền phù lẫn vào.\
Ngoài ra còn có rất nhiều loại bơm đặc biệt khác như bơm chìm, bơm răng khía, bơm bánh răng, bơm dùng khí nén, bơm pistong tác dụng đơn, bơm pistong tác dụng kép, bơm cánh gạt, bơm nhu động…